30/05/2014 - 22:47

Mỹ thẳng thắn với Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

* Nhật Bản "hỗ trợ tối đa" cho Đông Nam Á

Ảnh: Reuters

Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 tại Singapore đã chính thức khai mạc tối 30-5 với bài phát biểu trung tâm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh). Tham dự sự kiện này có các nhân vật lãnh đạo cao cấp, chuyên gia an ninh và quốc phòng đại diện các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị (từ 30-5 đến 1-6), các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề bao gồm hỗ trợ của Mỹ đối với ổn định khu vực, tăng cường hợp tác quốc phòng, quản lý căng thẳng chiến lược và quan điểm của các cường quốc về hòa bình và an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương.

Là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên "phát pháo" trước diễn đàn an ninh khu vực, Thủ tướng Abe tuyên bố Tokyo sẽ "hỗ trợ tối đa cho các nước Đông Nam Á bảo vệ an ninh hải phận và không phận nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không". "Nhật Bản muốn đóng vai trò lớn hơn và tích cực hơn nhằm duy trì hòa bình tại châu Á và có thể là trên thế giới"- ông Abe nhấn mạnh, đồng thời tất cả các quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế như là lời chỉ trích hành động xâm phạm lãnh hải ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Phát biểu trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố các mối đe dọa hiện nay trên toàn cầu không thể cản trở kế hoạch tăng cường vị thế quân sự của Washington tại châu Á. Trả lời báo giới khi đang trên đường đến Singapore, người đứng đầu Lầu Năm Góc một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đồng thời, ông Hagel cũng nói rằng quan điểm giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay mà Tổng thống Mỹ Barack Obama trình bày tại Học viện Quân sự West Point trước đó "sẽ không kiềm chế, rút ngắn hoặc cắt giảm kinh phí chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ".

Theo Reuters, tuyên bố trên của ông Hagel hướng đến mục tiêu trấn an các quốc gia đồng minh trong khu vực vốn đang lo ngại trước một Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Dự kiến, ông Hagel sẽ tham dự hơn 10 cuộc họp song phương với các đối tác châu Á và 2 cuộc họp ba bên – một với Nhật Bản, Hàn Quốc và một với Nhật Bản, Úc nhằm tăng cường quan hệ, hạ nhiệt căng thẳng. Đáng lưu ý là trong cuộc họp 3 bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Hagel sẽ tìm kiếm bước tiến bộ trong lĩnh vực hợp tác phòng thủ tên lửa cũng như mở rộng cam kết với hai đồng minh Đông Bắc Á.

Đặc biệt trong chuyến thăm châu Á lần thứ 5 trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, ông Hagel còn có buổi thảo luận ngắn với trưởng đoàn Trung Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung. Trong đó, ông Hagel cho biết sẽ đề cập trực tiếp đến những mâu thuẫn khu vực hiện nay cũng như tìm kiếm phương thức giải quyết căng thẳng. Ông chủ Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc duy trì tự do hàng hải, đồng thời có kế hoạch thảo luận về tình hình căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc trong "một số điều kiện cụ thể".

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Thông tin trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết tàu chiến Kunisaki của Nhật Bản lần đầu tiên sẽ tham gia cuộc tập trận đa quốc gia trên Biển Đông. Nhưng theo các quan chức Tokyo, vai trò của tàu Kunisaki chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cứu trợ thiên tai và hậu cần. Cụ thể, con tàu sẽ được sử dụng để vận chuyển khoảng 140 lính Mỹ và Úc tham gia các cuộc tập trận đối tác Thái Bình Dương, diễn ra tại Việt Nam, Campuchia và Philippines từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7.

Chia sẻ bài viết