HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)
Tờ New York Times hôm 19-9 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ đang thảo luận về những điều khoản của hiệp ước phòng thủ chung với Saudi Arabia, tương tự như các hiệp ước mà nước này đạt được với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Joe Biden nhằm thuyết phục quốc gia giàu dầu mỏ bình thường hóa quan hệ với Israel.
Theo thỏa thuận như thế, Washington và Riyadh sẽ cam kết cung cấp sự hỗ trợ quân sự nếu quốc gia còn lại bị tấn công. Saudi Arabia cho rằng thỏa thuận phòng thủ chặt chẽ sẽ giúp ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran hoặc các nhóm vũ trang thân Tehran, ngay cả khi hai đối thủ trong khu vực này gần đây đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Thái tử Mohammed bin Salman, người trên thực tế đang nắm quyền lãnh đạo Saudi Arabia, còn muốn Washington giúp phát triển chương trình hạt nhân dân sự, điều khiến giới chức Mỹ lo ngại có thể trở thành “vỏ bọc” cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Iran.
Thái tử Mohammed xem thỏa thuận phòng thủ chung với Mỹ là yếu tố quan trọng nhất trong các cuộc hội đàm với chính quyền ông Biden về Israel. Saudi Arabia chưa bao giờ công nhận Israel là quốc gia độc lập.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đến thăm Saudi Arabia năm ngoái. Ảnh: NY Times
Tuy nhiên, bất cứ hiệp ước phòng thủ nào với Saudi Arabia chắc chắn cũng cũng sẽ kéo theo sự phản đối quyết liệt ở Quốc hội Mỹ, nơi một số nghị sĩ cấp cao nhận thấy Riyadh là đối tác không đáng tin cậy và ít quan tâm tới các lợi ích của Washington.
Hiệp ước cũng sẽ đặt ra dấu hỏi về việc liệu ông Biden có đang khiến Mỹ can dự quân sự sâu hơn vào Trung Đông. Thỏa thuận như thế thậm chí sẽ đi ngược lại mục tiêu của chính quyền ông Biden từng công khai là chuyển nguồn lực quân sự Mỹ ra khỏi khu vực và hướng sang châu Á - Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc.
Quân đội Mỹ có các căn cứ cùng hàng chục ngàn binh sĩ tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng giới chức xứ cờ hoa thừa nhận chưa có cuộc thảo luận nghiêm túc về việc gia tăng đáng kể số binh sĩ Mỹ ở Saudi Arabia, hiện ở mức 2.700 lính.
Những lợi ích tiềm năng
Quyết tâm tìm kiếm thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Israel của ông Biden là “ván cờ” rất khó hình dung cách đây không lâu. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông cam kết sẽ buộc Saudi Arabia “phải trả giá” và gọi đây là quốc gia “bị bài xích”. Các quan chức cấp cao Mỹ hồi tháng 6 thừa nhận tỷ lệ thành công của nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận ngoại giao giữa Saudi Arabia và Israel là chưa tới 50%.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ lập luận rằng bước đột phá ngoại giao trên sẽ mang tính biểu tượng quan trọng góp phần hạ nhiệt căng thẳng Arab - Israel và có thể tạo ý nghĩa địa chính trị cho Washington. Saudi Arabia và Israel “bắt tay” sẽ giúp củng cố sự hợp tác trong khu vực chống Iran, kẻ thù chung mà Mỹ cũng muốn kiềm chế. Đưa Saudi Arabia xích lại gần Mỹ sẽ kéo quốc gia này ra xa hơn quỹ đạo của Trung Quốc, đồng thời bào mòn nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông. Cá nhân Tổng thống Biden giành được thắng lợi trong chính sách đối ngoại trong bối cảnh ông tìm cách tái đắc cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng vào năm 2024.