16/04/2022 - 08:38

Mỹ - Nga tranh cãi về tăng giá lương thực 

“Khẩu chiến” xảy ra trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 14-4 khi đại sứ Nga - Mỹ có màn đáp trả cực gắt về tình hình lương thực bấp bênh ở một số quốc gia dễ bị tổn thương trên toàn cầu.

Xung đột Nga - Ukraine làm giá lương thực toàn cầu biến động mạnh. Ảnh: Getty Images

Xung đột Nga - Ukraine làm giá lương thực toàn cầu biến động mạnh. Ảnh: Getty Images

Phát biểu trước cuộc họp, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cáo buộc Nga “phát động cuộc chiến” ở Ukraine là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu lương thực trở nên tồi tệ hơn ở nhiều nơi, đặc biệt là Yemen - quốc gia bị chiến tranh tàn phá sau sự can thiệp của liên minh do Saudi Arabia dẫn dầu chống nhóm phiến quân Houthi từ năm 2015. Trước đó, Chương trình Lương thực Thế giới xác định quốc gia nghèo nhất thế giới Arab là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do giá lúa mì tăng đột biến và thiếu hàng nhập khẩu từ Ukraine. Theo đại sứ Thomas-Greenfield, đây là ví dụ “nghiệt ngã” về tác động đang xảy ra do hoạt động quân sự “vô cớ, bất công và phi nhân đạo của Nga” đối với những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn cầu.

Trước cáo buộc trên, Phó đại sứ Nga Dmitry Polyansky phản pháo lại rằng nguồn gốc của vấn đề ngày nay không phải do “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Thay vào đó, yếu tố chính gây ra bất ổn là những biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga nhằm cắt đứt bất kỳ nguồn cung nào từ Mát-xcơ-va khỏi chuỗi cung ứng, ngoài những lĩnh vực cần thiết với phương Tây như năng lượng. Nếu Mỹ và đồng minh thực sự muốn giúp thế giới tránh khủng hoảng an ninh lương thực, họ nên dỡ bỏ trừng phạt do chính mình lựa chọn và áp đặt. “Nếu chưa sẵn sàng làm điều đó, họ cũng đừng rao giảng và đánh lừa mọi người” - đại diện Nga nói rõ.

Thế giới trước nguy cơ gia tăng đói nghèo

Cuộc tranh luận gay gắt giữa đại diện Nga - Mỹ bùng nổ sau cảnh báo của lực lượng đặc nhiệm LHQ, rằng tình hình xung đột ở Ukraine có nguy cơ tàn phá nền kinh tế của nhiều quốc gia đang phát triển, vốn đối mặt với chi phí lương thực và năng lượng đắt đỏ trong điều kiện tài chính ngày càng khó khăn. Cụ thể, lực lượng này xác định 69 quốc gia với dân số 1,2 tỉ người phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo” và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng theo 3 chiều: lương thực, năng lượng và tài chính. Danh sách liệt kê bao gồm 25 quốc gia ở châu Phi, 25 ở châu Á - Thái Bình Dương, và 19 ở châu Mỹ Latinh và Caribe.

Trong báo cáo khác, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres xác định 33 quốc gia bao gồm một số nước nghèo nhất thế giới phụ thuộc nguồn cung lúa mì từ cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, giá loại lương thực này cùng với bắp đã tăng 30% kể từ đầu năm. Theo ông Guterres, khoảng 1,7 tỉ người ở 107 quốc gia hiện đang trong tình trạng an ninh lương thực, năng lượng và tài chính bấp bênh. Đáng nói là 1/3 trong số này vốn đã sống trong cảnh nghèo đói. Và sự gián đoạn trong các yếu tố kể trên có thể làm gia tăng nạn đói nghèo trên toàn cầu, người đứng đầu LHQ cảnh báo.

Trước tình hình cấp bách, LHQ ngày 14-4  đã giải ngân 100 triệu USD từ quỹ khẩn cấp cho các điểm nóng về nạn đói là Yemen cùng 6 quốc gia châu Phi gồm Somalia, Ethiopia, Kenya, Sudan, Nam Sudan và Nigeria. “Trên tất cả, cuộc chiến này phải kết thúc” - ông Guterres xác định. Ông Guterres cũng khuyến nghị cộng đồng quốc tế đảm bảo dòng chảy ổn định của lương thực và năng lượng thông qua các nguồn mở và cải cách hệ thống tài chính quốc tế.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết