06/12/2022 - 20:09

Mỹ nâng cấp vũ khí cho Đài Loan 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, FT)

Trích thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Hãng tin Bloomberg tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất bán cho Ðài Loan 100 tên lửa phòng không Patriot tiên tiến nhất (PAC-3 MSE), cùng với radar và thiết bị hỗ trợ trong một thỏa thuận trị giá 882 triệu USD.

Tên lửa PAC-3 MSE.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đất đối không tầm xa Patriot Advanced Capability (PAC) do tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển và được đưa vào biên chế quân đội nước này từ cuối năm 1981. Trong đó, phiên bản PAC-3 MSE do tập đoàn Lockheed Martin thầu chính được đánh giá là tiên tiến nhất, đại diện cho thế hệ tiếp theo của hệ thống đánh chặn tên lửa đối phương.

So với những khẩu Patriot trước đó được gửi đến Ðài Loan, PAC-3 MSE hoạt động ổn định, đạt hiệu suất cao hơn nhờ cải tiến phương thức tiêu diệt mục tiêu bằng động năng và nâng cấp phần mềm dẫn đường bám theo đạn. Với cấu hình cơ động cùng phạm vi tác chiến lớn hơn 50% so với PAC-3, phiên bản hiện tại sử dụng công nghệ tìm - diệt chính xác cho phép phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và các mối đe dọa khác đang bay tới ở độ cao 40 km với tốc độ bay Mach 5.

Ngoài các khẩu đội PAC-3 MSE, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi hỗ trợ nâng cấp phần mềm, bệ phóng M903 và thiết bị huấn luyện (MRT) đi kèm để phù hợp với các tên lửa mới. Tất cả đề xuất trên được đưa ra theo những điều khoản trong hợp đồng bán vũ khí giữa Mỹ với Ðài Loan hồi năm 2010, nên về mặt kỹ thuật, kế hoạch nâng cấp hệ thống Patriot của Ðài Loan không phải mới và cũng không làm thay đổi giá trị tổng thể 2,81 tỉ USD của thỏa thuận. Song, động thái này có thể gây ra phản ứng giận dữ từ Trung Quốc.

Mỹ và đồng minh tăng cường khả năng răn đe ở eo biển Đài Loan

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, đề xuất tăng cường hệ thống Patriot mới giúp Ðài Loan cải thiện khả năng phòng thủ tên lửa để bảo vệ lãnh thổ, ngăn chặn các mối đe dọa đối với ổn định khu vực. Hồi đầu tuần, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trong một cuộc họp báo cũng xác nhận chính phủ đang làm việc với Quốc hội để cải thiện năng lực tự vệ và phục hồi của Ðài Bắc, qua đó giúp Washington tăng cường khả năng răn đe trên eo biển Ðài Loan trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động khiêu khích.

Chia sẻ quan điểm này, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Anh Tobias Ellwood cho biết vẫn còn nhiều thứ có thể thảo luận trong vấn đề tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ðài Loan. Trong khi Mỹ là nguồn cung vũ khí nước ngoài thiết yếu của Ðài Loan, các công ty Anh đóng vai trò quan trọng giúp Ðài Bắc phát triển hạm đội tàu ngầm bản địa mới được chế tạo. Khi được hỏi liệu Anh có nên hỗ trợ Ðài Loan về mặt quân sự, dù là vũ khí hay chia sẻ thông tin tình báo, ông Ellwood nói rằng họ không chỉ tăng cường tương tác quân sự và an ninh với Ðài Loan mà còn tìm kiếm hỗ trợ hòn đảo này nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế.

Trong khi đó, Canada mới đây công bố kế hoạch điều thêm tàu ​​chiến qua eo biển Ðài Loan để khẳng định tính quốc tế trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), đại diện ngoại giao Canada Mélanie Joly cho biết Ottawa đang đầu tư 298 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài cam kết triển khai khí tài quân sự mới trong khu vực, Canada sẽ điều các nhà ngoại giao và bố trí thêm tùy viên quân sự trên khắp Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Chia sẻ bài viết