18/08/2013 - 09:31

Mỹ nan giải trước tình hình Ai Cập

Cảnh sát chống bạo động và binh sĩ Ai Cập được triển khai trong cuộc đụng độ với các thành viên Huynh đệ Hồi giáo và những người ủng hộ ông Morsi. Ảnh: Reuters

Một số nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi chính quyền Obama nên ngừng viện trợ cho Ai Cập trước tình hình bạo lực tiếp diễn tại quốc gia Bắc Phi. Vấn đề đáng nói ở đây là những rắc rối trong quan hệ viện trợ giữa Wahsington với Cairo không thể chấm dứt đơn giản, thậm chí buộc cả hai phải “trả giá”.

“Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama phải nhanh chóng đình chỉ hoạt động viện trợ quân sự chứ không cần phải chờ đợi Quốc hội ra mặt” - Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment Thomas Carothers khẳng định. Trước đó hôm 15-8, Tổng thống Obama đã lên tiếng cho biết Washington “không thể tiếp tục” mối quan hệ hợp tác bình thường với Cairo cũng như đưa ra thông báo hủy bỏ cuộc tập trận quân sự với Ai Cập vào tháng tới. “Mỹ không thể quyết định được tương lai của Ai Cập bởi đó là nhiệm vụ của người dân nước này. Chúng tôi không đứng về lực lượng cụ thể hay bất kỳ nhân vật chính trị nào” - ông Obama nói.

Tuy nhiên, Bruce Rutherford thuộc Đại học ColgateSong cho biết đang tồn tại mâu thuẫn giữa lợi ích chiến lược và lý tưởng của Mỹ xung quanh vấn đề Ai Cập. Theo đó, Washington đang cố gắng “vẹn cả đôi đường” khi một mặt chỉ trích quân đội nhưng lại không lên án cũng như kêu gọi việc thiết lập nền dân chủ. Thượng nghị sĩ Rand Paul thuộc đảng Cộng hòa và có liên hệ với phong trào Tea Party (đảng Trà) của phe bảo thủ tiếp tục vạch ra mâu thuẫn của Chính phủ Mỹ khi nói rằng Tổng thống Obama lên án bạo lực ở Ai Cập, nhưng chính quyền của ông trên thực tế vẫn tiếp tục gửi hàng tỉ đô la để hỗ trợ nước này. Hành động này đồng nghĩa Washington đã đứng về phía quân đội Ai Cập.

Kể từ khi Cairo ký kết hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979, Ai Cập là quốc gia thứ hai sau Israel nhận được mức viện trợ khổng lồ từ Mỹ. Gần đây, số tiền viện trợ lên đến 1,55 tỉ USD/năm và phần lớn đều được dồn vào chi tiêu quân sự. “Phần lớn viện trợ quân sự của Ai Cập đều do các ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cung cấp. Vì vậy trong điều kiện kinh tế đơn thuần, quân đội Ai Cập sẽ không đủ khả năng chi trả vũ khí và như vậy các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng sẽ mất đi một khách hàng tiềm năng” - nhà phân tích về Trung Đông Jeffrey Martini thuộc tổ chức nghiên cứu RAND nhận xét.

Ngoài ra, việc ngừng viện trợ đồng nghĩa Washington sẽ mất đi tuyến đường thuận lợi đến khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Được biết phần lớn các quốc gia, trong đó có nhiều đồng minh thân cận đều yêu cầu Mỹ phải thông báo một tuần trước khi chiến đấu cơ nước này bay qua lãnh thổ của họ. Nhưng Ai Cập thì khác. Gần như toàn bộ hoạt động cung cấp quân sự của Mỹ ở Afghanistan hay chống khủng bố ở Trung Đông, Tây Nam Á hoặc vùng Sừng châu Phi qua trung gian Ai Cập đều được tự động thông qua. Ngoài ra, tàu chiến Mỹ cũng được phép đi tắt qua kênh đào Suez để đến Iraq và Afghanistan trong khi các quốc gia khác phải mất vài tuần. “Chúng tôi cần Ai Cập vì kênh đào Suez, vì hiệp ước hòa bình với Israel và cho cuộc chiến chống lại những phần tử cực đoan đang xuất hiện ngày càng nhiều đe dọa đến quá trình chuyển đổi dân chủ của Ai Cập cũng như lợi ích của nước Mỹ” – cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng James Mattis khẳng định.

Tuy nhiên, hãng tin Anh BBC cho biết sách lược hoặc ít nhất là danh tiếng và uy tín của Mỹ ở Ai Cập đang trong tình trạng “bị phá hủy”. Trước hết, nỗ lực ngoại giao gần đây của Washington đã thất bại sau khi cố gắng khuyên Tổng thống Ai Cập bị phế truất Morsi chấp nhận thỏa hiệp với quân đội và những người biểu tình. Mặt khác, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bill Burns trong hai chuyến đi đến Cairo cũng kêu gọi quân đội không nên loại trừ vai trò của ông Morsi, nhưng trong mắt nhiều người thì đây đúng là nhiệm vụ khó khăn cho các quan chức Mỹ.

 VI VI (Tổng hợp)

 Nguy cơ bạo lực tiếp diễn

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 600 người đã thiệt mạng và 3.500 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa quân đội với những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập Mohamed Morsi. Sau đụng độ đẫm máu trong “Ngày thứ sáu giận dữ” với hơn 80 người thiệt mạng và 1.000 người bị bắt giữ, lực lượng an ninh Ai Cập cho biết họ đã bao vây nhà thờ Hồi giáo Al-Fath ở Quảng trường Ramses thuộc trung tâm Thủ đô Cairo - nơi những người ủng hộ Morsi đang ẩn náu. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo lâm thời của Ai Cập đã áp đặt tình trạng khẩn cấp với lệnh giới nghiêm ở thủ đô và các khu vực khác, trong khi Bộ Nội vụ nước này cho biết cảnh sát được phép sử dụng đạn thật để trấn áp biểu tình.

 

Chia sẻ bài viết