24/10/2021 - 07:26

Mỹ lo ngại Trung Quốc thống lĩnh công nghệ then chốt 

Trung tâm Phản gián và an ninh quốc gia Mỹ (NCSC) vừa phát đi cảnh báo mới về tham vọng của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến với mục tiêu cuối cùng là trội hơn siêu cường Mỹ.

Trung Quốc giới thiệu robot cá mập. Ảnh: AFP

NCSC thuộc Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động phản gián trong khu vực tư nhân và cộng đồng nghiên cứu Mỹ.

5 lĩnh vực then chốt

Trong báo cáo ngày 22-10, NCSC cảnh báo các doanh nghiệp công nghệ Mỹ cần cảnh giác khi hợp tác với “các đối thủ chiến lược” như Trung Quốc và Nga trong 5 lĩnh vực công nghệ then chốt gồm trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, khoa học sinh học, chất bán dẫn và hệ thống tự hành. NCSC kêu gọi các công ty, học giả và cộng đồng nghiên cứu của Mỹ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ nhân tài và công trình nghiên cứu trong bối cảnh một số nước đã và đang sử dụng các cách thức cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp để có được những bí mật công nghệ Mỹ và giành thế thống trị 5 lĩnh vực trọng yếu trên trong tương lai.

Chính quyền Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu có thể sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh lợi cao vào năm 2025. Ông Tập cũng nhiều lần thúc giục các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra những đột phá có thể giúp nước này đảm bảo khả năng tự lực. Trong  một phát biểu hồi năm ngoái, Chủ tịch Tập kêu gọi các nhà nghiên cứu tăng cường các nỗ lực “nhằm thúc đẩy các ngành chiến lược mới nổi như truyền thông lượng tử để giành ưu thế trong cạnh tranh quốc tế và xây dựng các lợi thế mới cho sự phát triển”.

Trong khi đó, báo cáo của NCSC cho biết Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt được vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi vào năm 2030 và Bắc Kinh đã áp dụng nhiều phương pháp để có được các công nghệ tiên tiến bằng hoạt động gián điệp, đầu tư trực tiếp vào công nghệ Mỹ, hợp tác học thuật, liên doanh và sáp nhập.

Giới tình báo Mỹ quan ngại nền kinh tế số 1 thế giới có thể bị đẩy hoàn toàn ra khỏi các lĩnh vực công nghệ mang tính sống còn trong tương lai. Quyền giám đốc NCSC  Mike Orlando hôm 21-10 cảnh báo “nếu Mỹ đánh mất ưu thế vượt trội trong các lĩnh vực công nghệ then chốt thì vị thế siêu cường quốc tế của nước này có thể sụp đổ”.

Cảnh giác với dữ liệu sinh học

 Ông Edward You, người phụ trách các công nghệ mới nổi và đột phá tại NCSC, cho biết vấn đề không chỉ là mất tài sản trí tuệ, mà còn là mất đi một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh. Theo ông You, công nghệ y tế là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.

Chẳng hạn, công ty gien lớn nhất của Trung Quốc là BGI đã mua công ty gien Complete Genomics của Mỹ năm 2013 và nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, công ty này đã thâm nhập vào các bệnh viện và tổ chức chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, cung cấp giải trình tự DNA quy mô lớn không tốn kém nên tiếp cận được với lượng lớn dữ liệu gien của người Mỹ. BGI cũng hợp tác với quân đội Trung Quốc phát triển bộ xét nghiệm thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người trên khắp thế giới. Năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ đã trừng phạt 2 công ty con của BGI vì cung cấp dữ liệu phân tích gien được Trung Quốc sử dụng trong chiến dịch trấn áp các đối tượng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Trong khi đó hồi tháng 5-2021, công ty công nghệ sinh học WuXi Biologics của Trung Quốc  thông báo đã mua nhà máy sản xuất của tập đoàn Bayer tại Ðức và nhà máy sản xuất của hãng Pfizer  tại Trung Quốc. Một tháng sau, WuXi Biologics lại thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thuốc quy mô lớn tại bang Delaware của Mỹ với gói tài trợ 19 triệu USD của nhà nước Trung Quốc. Năm ngoái, công ty này đã xây dựng một cơ sở sản xuất thuốc tại Massachusetts.

Do các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc trên toàn cầu vào lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm, các công ty khoa học sinh học của Mỹ sản xuất vaccine và các sản phẩm công nghệ sinh học khác có khả năng sử dụng các nhà máy do Trung Quốc kiểm soát. Các công ty Trung Quốc cũng tham gia cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 và xét nghiệm gien tại Mỹ. Trong lĩnh vực được gọi là “kinh tế sinh học”, Trung Quốc nhắm mục tiêu vào công nghệ gien có thể được sử dụng để thiết kế các liệu pháp điều trị bệnh và xác định các “lỗ hổng” gien, tình trạng sức khỏe của người dân trong một quốc gia.

Dean Boyd, người phát ngôn của NCSC, cho biết tất cả các thực thể Trung Quốc đều phải chia sẻ dữ liệu và công nghệ theo luật định của nước này. Vì thế Trung Quốc được coi là quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn dữ liệu y tế lớn nhất thế giới, trong đó có cơ sở dữ liệu sinh học. “Một khi Trung Quốc tiếp cận dữ liệu gien, bạn không thể thay đổi nó như mã PIN. Với việc thu thập dữ liệu và những tiến bộ trong công nghệ, một ngày nào đó Bắc Kinh có thể thống trị lĩnh vực chăm sóc y tế và Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông You nhấn mạnh.

Ngoài các hoạt động gián điệp và những kênh đầu tư trực tiếp vào công nghệ, hợp tác học thuật, liên doanh và sáp nhập, các thực thể Trung Quốc còn tham gia tấn công mạng đánh cắp công nghệ và thu thập dữ liệu cá nhân qua tương tác mạng xã hội. Bắc Kinh còn có chương trình tuyển dụng nhân tài công nghệ trên khắp thế giới.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết