31/05/2021 - 21:33

Mỹ lại “nghe lén” đồng minh 

Tiết lộ gây “sốc” của các hãng truyền thông phương Tây cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) dựa trên quan hệ với mật vụ Ðan Mạch đã theo dõi hàng loạt quan chức cấp cao châu Âu, bao gồm Thủ tướng Ðức Angela Merkel.

Thủ tướng Merkel tiếp tục là “nạn nhân” do thám của Mỹ. Ảnh: DW

Phát hiện này là kết quả cuộc điều tra nội bộ của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ðan Mạch (FE) về vai trò của NSA trong quan hệ đối tác giai đoạn 2012-2014, theo Ðài phát thanh Ðan Mạch DR. Vụ việc được tiến hành sau bê bối liên quan cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, nhân vật được cả thế giới nhắc đến suốt năm 2013 khi để lộ nhiều thông tin và tài liệu mật về các chương trình do thám toàn cầu của Washington.

DR cho biết chính quyền Copenhagen từ năm 2015 đã biết về sự dính líu giữa cơ quan mật vụ trong nước và NSA. Các điều tra của DR từ 9 nguồn tin khác nhau cho thấy FE đã giúp NSA theo dõi các chính trị gia hàng đầu của Pháp, Ðức, Thụy Ðiển, Na Uy và Hà Lan thông qua hệ thống cáp quang biển đến và đi từ những nước này. NSA được cho có thể truy cập tin nhắn văn bản, các cuộc gọi điện thoại và lưu lượng Internet bao gồm tìm kiếm, chat và dịch vụ nhắn tin. Trong số những nhân vật nổi bật bị do thám có Thủ tướng Merkel, Ngoại trưởng Ðức lúc bấy giờ là Frank-Walter Steinmeier và chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Peer Steinbruck. Ðáng chú ý, tình báo Ðan Mạch còn giúp Mỹ do thám Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và một nhà thầu quốc phòng trong nước. Thông tin này củng cố báo cáo cũng do DR tiết lộ năm ngoái về việc Washington sử dụng hệ thống cáp Internet của Ðan Mạch để do thám các công ty quốc phòng nước này và châu Âu giai đoạn 2012-2015. Theo tiết lộ mới, FE cũng hỗ trợ NSA theo dõi những hoạt động chống lại Chính phủ Mỹ.

Hồi tháng 8-2020, Chính phủ Ðan Mạch đã buộc toàn bộ lãnh đạo của FE phải từ chức trước những chỉ trích nặng nề rằng cơ quan này cố tình che giấu thông tin và vi phạm luật pháp, tức gần 5 năm sau khi phát hiện quy mô hợp tác giữa cơ quan tình báo hai nước. Hiện NSA lẫn FE đều từ chối bình luận các cáo buộc. Song, một tuyên bố từ Bộ quốc phòng Ðan Mạch khẳng định việc nghe lén có hệ thống của các đồng minh thân cận là “không thể chấp nhận được”. Nói với một đài truyền hình địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Ðiển Peter Hultqvist xác nhận đã yêu cầu lấy thông tin đầy đủ về vụ việc. Người đồng cấp Na Uy Frank Bakke-Jensen cũng đồng tình khi đề nghị cần xem xét các cáo buộc một cách nghiêm túc.

Trong khi đó, người đứng đầu ủy ban Quốc hội Ðức điều tra vụ bê bối gián điệp của NSA, Patrick Sensburg nói rằng không lấy làm lạ trước vụ việc mới này. Nó cho thấy các đồng minh “đang làm mọi việc theo ý mình” và vấn đề quan trọng nên làm rõ hiện nay là điều gì đã thúc đẩy các điệp viên Ðan Mạch giúp đỡ NSA, theo ông Sensburg. Trong một nhận định, chuyên gia Ðan Mạch về hoạt động của cơ quan mật vụ, Thomas Wegener Friis cho rằng FE có lẽ đã phải đối mặt lựa chọn nên hợp tác chặt chẽ hơn với đối tác toàn cầu nào. Và như kết quả đã thấy, họ đã quyết định làm việc cùng Mỹ và quay lưng với các đối tác châu Âu.

Phát biểu hôm 30-5, cựu nhân viên CIA Snowden cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay từ đầu đã “dính dáng sâu” đến vụ lùm xùm nghe lén kể trên. Ðược biết, ông Biden là Phó Tổng thống vào thời điểm xảy ra vụ bê bối tình báo Mỹ theo dõi hàng ngàn mục tiêu ở châu Âu trong nhiều năm. Những thông tin được công bố khiến Washington đối mặt với vô số chỉ trích và nghi ngại từ các đồng minh. Lúc đó, Nhà Trắng không phủ nhận hoàn toàn nhưng khẳng định điện thoại của bà Merkel không bị nghe trộm và cam kết sẽ không để xảy ra trong tương lai. Năm 2014, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama còn tuyên bố thay đổi các chương trình do thám của NSA và hứa không theo dõi lãnh đạo các nước đồng minh.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, DW)

Chia sẻ bài viết