Cùng với cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn biến ngày càng phức tạp ở Honduras, việc Colombia dự định cho Mỹ đặt 4 căn cứ quân sự ở nước này gần biên giới với Venezuela càng khiến bầu không khí ở khu vực Mỹ La-tinh nóng lên.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cuối tuần rồi tuyên bố sẽ xem xét lại mối quan hệ với Colombia, đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng của nước này. Theo ông Chavez, Venezuela sẽ tăng gấp đôi số tiểu đoàn xe tăng (hiện có 80 chiếc) và tăng cường sức mạnh bộ binh cũng như pháo binh. Ông cho biết đã thảo luận vấn đề trên với chính phủ Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Venezuela. Trong vài năm trở lại đây, Venezuela đã mua của Nga 100.000 súng trường, 24 máy bay chiến đấu Sukhoi và 50 trực thăng. Ông Chavez cũng chỉ trích Mỹ đang nỗ lực biến Colombia thành “Israel ở Mỹ La-tinh”, và dùng Colombia làm bàn đạp để xâm lược Venezuela. “Họ đang bao vây Venezuela bằng các căn cứ quân sự”, ông nói. Colombia hiện là nước nhận được viện trợ quân sự nhiều thứ ba từ Mỹ (sau Israel và Ai Cập) với trung bình mỗi năm 500 triệu USD. Từ năm 2000 đến nay, khoảng 250 cố vấn quân sự Mỹ thường xuyên có mặt tại Colombia.
Đáp lại sự chỉ trích của ông Chavez, Ngoại trưởng Colombia Jaime Bermudez yêu cầu các nước láng giềng không can thiệp vào công việc nội bộ của Colombia. Ông nói: “Chúng tôi không bao giờ thể hiện ý kiến đối với công việc của các nước láng giềng. Ngay cả khi có sự hiện diện quân sự của Nga trên vùng biển Venezuela, hoặc quan hệ giữa nước này với Trung Quốc”.
Bang giao giữa hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài 2.200 km này thường xuyên hục hặc trong những năm gần đây. Bogota cáo buộc ông Chavez hỗ trợ tiền bạc và vũ khí cho nhóm nổi dậy Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), trong khi Caracas tố cáo quân đội Colombia thâm nhập lãnh thổ nước này.
Việc Colombia cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự còn vấp phải sự phản đối của Ecuador, nước vừa buộc Mỹ rút quân khỏi căn cứ không quân Manta sau 10 năm đồn trú. Quan hệ giữa hai nước này trở nên hết sức căng thẳng sau khi Colombia bất ngờ tấn công một căn cứ của FARC trên lãnh thổ Ecuador vào tháng 3 năm ngoái. Colombia hồi tuần rồi tuyên bố đã trao cuốn băng video chứng tỏ FARC từng tài trợ cho Tổng thống Ecuador Rafael Correa trong cuộc vận động tranh cử năm 2006, cho Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và Cảnh sát quốc tế (Interpol). Tuy nhiên, ông Correa nói rằng cuốn băng đó là giả mạo, là hành động trả đũa việc Ecuador mới đây yêu cầu Interpol (nhưng bị từ chối) bắt giữ Juan Manuel Santos, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia lúc xảy ra cuộc tấn công xuyên biên giới.
Lãnh đạo một nước láng giềng khác là Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega cũng chỉ trích việc Colombia cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở đây.
Ngoài Colombia, Mỹ còn một số đồng minh khác ở Mỹ La-tinh. Nhưng chỉ có Bogota dám “hy sinh” quan hệ với các nước láng giềng khi chấp nhận để Lầu Năm Góc đặt một loạt các căn cứ quân sự. Phe cánh tả đang thắng thế ở Mỹ La-tinh nên việc Tổng thống Alvaro Uribe quyết định ngã theo Washington khiến Colombia bị cô lập và điều này có nguy cơ tạo ra bất ổn trong khu vực.
LÊ DÂN (Theo NYTimes, Telegraph)