28/08/2019 - 20:52

Mỹ giúp Nhật trang bị thêm tên lửa 

Ngày 27-8, chính quyền Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán số tên lửa đánh chặn trị giá 3,3 tỉ USD cho Nhật Bản trong bối cảnh Triều Tiên tiến hành phóng thử một loạt tên lửa đạn đạo mới.

Theo Lầu Năm Góc, Tokyo sẽ mua 73 tên lửa SM-3 Block IIA (ảnh), vũ khí được thiết kế phóng từ hệ thống phòng thủ Aegis trên tàu chiến để đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Thông báo đưa ra giữa lúc Bình Nhưỡng đang mở rộng năng lực tên lửa tấn công, chứng minh khả năng phóng tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung- có thể mang đầu đạn hạt nhân- đủ sức vươn tới lãnh thổ Nhật Bản và Mỹ. Chỉ trong tháng 8 này, Triều Tiên đã thực hiện tới 7 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới, trong đó ít nhất một quả bay đủ xa để chạm tới Nhật Bản.

Được biết, Nhật đang được bảo vệ bởi 4 tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis dùng tên lửa SM-3 và PAC-3. Trong đó, SM-3 có tầm bắn tối đa 2.500km, độ cao đánh chặn 1.500km và tốc độ hơn 4,5km/s.

Mỹ cần Nhật để thu hẹp “khoảng cách tên lửa” với Trung Quốc

Sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi đầu tháng này, Mỹ hy vọng có thể đương đầu với đối thủ địa chính trị là Trung Quốc tốt hơn bằng cách thu hẹp “khoảng cách tên lửa” với Bắc Kinh. Nhưng để làm được điều này, Washington có thể sẽ phải cậy nhờ Tokyo.

Do rút khỏi INF, trên lý thuyết Mỹ có thể triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á, tương tự như cách họ từng bố trí tên lửa hạt nhân khắp Tây Âu nhằm phòng thủ trước vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ hồi thập niên 1980. Nhưng lần này, Washington khẳng định nếu triển khai, các tên lửa sẽ không mang đầu đạn hạt nhân. Nhiều câu hỏi lớn đặt ra là triển khai các tên lửa này ở đâu, ai tiếp nhận và tại sao Nhật Bản được xem là ứng viên số một? Úc thì đã nhanh chóng lắc đầu, còn Hàn Quốc khẳng định không có kế hoạch thảo luận về việc triển khai khí tài này tại xứ kim chi. Theo nhiều chuyên gia và cựu quan chức quốc phòng, Nhật Bản hiện là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe.

Thật ra, Nhật Bản lâu nay được quân đội Mỹ xem là địa điểm lý tưởng để triển khai tên lửa, một phần bởi sự mong manh của họ trước kho tên lửa hành trình và đạn đạo tầm trung/ngắn của Trung Quốc, ước tính lên tới 1.400-1.800 quả. Số vũ khí này thậm chí đủ sức xóa sổ các sân bay, căn cứ và chiến hạm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Mỹ. Nhiều tên lửa của Bắc Kinh được thiết kế để chuyên tấn công các tàu sân bay và căn cứ quân sự vốn đóng vai trò bảo vệ các đồng minh của Mỹ, bao gồm Nhật Bản. Đơn cử như tên lửa tầm ngắn DF-16, tên lửa tầm trung DF-21D có biệt danh “sát thủ hàng không mẫu hạm” và DF-26 được gọi là “Guam Express” do có khả năng nhắm vào đảo Guam (lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương).

Ảnh: Navy Recognition

Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho là đang tập tấn công phủ đầu bằng tên lửa nhằm vào một số căn cứ làm nên sức mạnh quân sự Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu giả định là các mô hình đặt tại sa mạc Gobi và chúng mô phỏng chi tiết các căn cứ hải quân/không quân quan trọng của Mỹ tại Nhật như Yokosuka, Kadena và Misawa. Toàn bộ các căn cứ này đều là những phần cốt lõi trong sức mạnh quân sự của Washington ở châu Á.

Nhiệm vụ bất khả thi của Tokyo

Dù vậy, mọi chuyện sẽ không đơn giản. Vấn đề tên lửa hậu INF đang đặt Nhật Bản vào thế khó là chọn thắt chặt hơn quan hệ an ninh với Mỹ hay mạo hiểm với khả năng bị bao vây bởi một trật tự xoay quanh Trung Quốc trong khu vực. Quan hệ Nhật-Trung những năm gần đây đang nồng ấm hơn, chủ yếu bởi Bắc Kinh quay sang Tokyo vì họ đối mặt với quan điểm cứng rắn về an ninh và thương mại từ chính quyền ông Trump. Gần đây, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng phản đối Mỹ đưa tên lửa đến châu Á. Do vậy, Nhật bắt tay với Mỹ sẽ “chọc giận” Trung Quốc và có thể “lãnh hậu quả” như vụ Seoul cho đặt lá chắn THAAD trước đây.

Bên cạnh đó, triển khai tên lửa tấn công của Mỹ trên đất Nhật chứa đựng nguy cơ làm phức tạp cuộc tranh luận về an ninh ở xứ sở hoa anh đào, bởi nó có thể đi ngược lại chính sách chỉ phòng vệ của Nhật Bản theo Hiến pháp hòa bình của nước này.

THANH BÌNH (Theo CNN, Japan Times)

Chia sẻ bài viết