29/09/2020 - 18:36

Mỹ dọa đóng cửa đại sứ quán ở Iraq 

Giới chức Iraq ngày 28-9 cho biết Mỹ đã có những bước chuẩn bị để sơ tán các nhà ngoại giao sau khi cảnh báo về việc đóng cửa đại sứ quán tại thủ đô Baghdad. Người dân Iraq lo sợ hành động của Washington có thể biến đất nước họ thành một vùng chiến.

Đại sứ quán Mỹ tại Iraq trúng rốc-két hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: AP

Đại sứ quán Mỹ tại Iraq trúng rốc-két hồi tháng 1 năm nay. Ảnh: AP

Các nguồn tin cho biết Mỹ cuối tuần qua đã rục rịch rút nhân viên ngoại giao khỏi Iraq nếu lệnh đóng cửa đại sứ quán nước này được ban hành. Trước đó vài ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iraq Barham Salih, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra lời đe dọa. Ông Pompeo nhấn mạnh nếu những lợi ích của Mỹ tại Iraq tiếp tục bị nhắm tới, Washington sẽ đóng cửa đại sứ quán rồi tiếp tục có phản ứng “mạnh mẽ và bạo lực” đối với những nhóm đứng sau các vụ tấn công bằng rốc-két vào hoặc gần cơ quan ngoại giao này.

Ngoại trưởng Mỹ còn gửi “tối hậu thư” tương tự tới Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, khiến ông này sau đó phải lên tiếng kêu gọi các đồng minh giúp ngăn cản Washington đóng cửa đại sứ quán. Theo các quan chức Iraq, việc đóng cửa đại sứ quán có thể diễn ra song song với kế hoạch rút bớt quân đội Mỹ khỏi Iraq, giảm số binh sĩ từ 5.200 xuống còn 3.000. Việc rút quân từ từ sẽ cho phép Washington có thời gian đảo ngược quyết định, nếu giới chức Iraq có những hành động kiên quyết để bảo vệ các cơ sở của Mỹ tại quốc gia Trung Ðông.

Tấn công rốc - két gần sân bay Baghdad 

Quân đội Iraq ngày 28-9 cho biết đã có 3 trẻ em và 2 phụ nữ thiệt mạng trong vụ tấn công bằng rốc-két nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad. 

Vụ tấn công được cho là do các băng nhóm tội phạm và các nhóm ngoài vòng pháp luật tại vùng kế cận Al-Jihad thực hiện. Đây là vụ tấn công mới nhất nhằm vào khu vực sân bay quốc tế ở Baghdad nơi binh sĩ Mỹ đang đồn trú. 

Tuy nhiên, một số quan chức Iraq cho rằng lời cảnh báo của ông Pompeo chỉ là hăm dọa, với dụng ý nhắm tới các nhóm vũ trang để ngăn chặn các cuộc tấn công. Họ cũng lo ngại lời đe dọa có thể sẽ phản tác dụng khi kích động, khiến lực lượng dân quân coi đây là cơ hội buộc Washington rút lui. Trong khi đó, một nhân vật cấp cao trong đảng chính trị Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sơ tán các nhà ngoại giao là để giúp những vị này tránh bị tổn hại và chính quyền ông cũng không gặp sự cố đáng xấu hổ trước thềm bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Năm 2018, ông Pompeo từng ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Basra, miền Nam Iraq, sau những cuộc tấn công của các nhóm dân quân dòng Shiite. Còn đối với đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, quá trình đóng cửa được cho phức tạp và mất nhiều thời gian. Thật ra, cơ quan ngoại giao đồ sộ này đã hoạt động ở mức tối thiểu kể từ tháng 3 do đại dịch COVID-19 và những mối đe dọa về an ninh.

Trong khu vực, Iraq là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi khi duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ lẫn Iran. Tuy nhiên, điều này từ lâu cũng để ngỏ nguy cơ biến Iraq thành chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Dân Iraq có lý do để lo sợ bởi rủi ro này đã xảy ra hồi tháng 1 năm nay, khi Washington tiêu diệt Tướng Iran Qassem Soleimani tại sân bay Baghdad. Tehran sau đó đáp trả bằng cách nã tên lửa vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq.

Các tên lửa được cho thường xuyên bay về phía khu nhà ngoại giao kiên cố của Mỹ tại trung tâm Baghdad, vốn được xây dựng để trở thành đi sứ quán Mỹ lớn nhất trên thế giới. Trong những tuần gần đây, các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đại sứ quán Mỹ đã gia tăng và xuất hiện nhiều vụ đánh bom trên đường nhằm vào đoàn xe chở thiết bị cho liên minh quân sự do Washington dẫn đầu.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết