27/10/2020 - 08:46

Mục tiêu 5 năm đầy tham vọng của Trung Quốc 

Sáng 26-10, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19 đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh. Hội nghị sẽ kéo dài đến 29-10, trong đó xem xét và thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và các mục tiêu đến năm 2035.

Cảng Thanh Đảo của Trung Quốc. Ảnh: beltandroad

►Tập trung vào đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế

Phiên bản hoàn chỉnh của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 chỉ được công bố tại phiên họp Quốc hội thường niên vào tháng 3-2021, song giới phân tích nhận định Bắc Kinh sẽ nhấn mạnh những biện pháp nhằm đảm bảo an ninh quốc gia ở một số lĩnh vực chẳng hạn như công nghệ, đồng thời công bố các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Sau nhiều năm chỉ trích Trung Quốc khai thác các thị trường toàn cầu không công bằng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Ông Trump một mặt gây sức ép để Bắc Kinh mua thêm hàng hóa Mỹ, mặt khác làm khó tiến bộ công nghệ của nước này bằng cách đặt ra những hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn viễn thông Huawei. Sự không chắc chắn về việc các hãng công nghệ Trung Quốc có tiếp tục hợp tác với những công ty Mỹ hay không càng khiến Bắc Kinh nỗ lực hơn trong việc sở hữu năng lực công nghệ trong tương lai. Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cao sự hỗ trợ đối với cơ học lượng tử, lĩnh vực có thể thúc đẩy sự phát triển các siêu máy tính với khả năng xử lý vượt xa các hệ thống hiện nay.

Yue Su - chuyên gia tại Ðơn vị Tình báo Kinh kế (EIU) thuộc The Economist Group (Anh) - dự đoán kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025 của Trung Quốc sẽ nhấn mạnh vấn đề tiếp sức cho công nghệ, chẳng hạn như chất bán dẫn. Ngoài ra, kế hoạch mới cũng sẽ thảo luận việc xây dựng tính bền vững trong an ninh năng lượng, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu, và đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh căng thẳng thương mại với các quốc gia mạnh về nông sản. Ở khía cạnh xã hội, bà Su tin rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm thêm các giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ, bao gồm xóa bỏ quy định về số lượng con mà các gia đình được phép sinh.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đặt ra các mục tiêu trong 15 năm tới khi Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực thực hiện lời cam kết trẻ hóa quốc gia bằng cách giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và các ngành chiến lược khác. Viễn cảnh về những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc với Mỹ được cho là cơ sở cho chiến lược của ông Tập Cận Bình đẩy nhanh các kế hoạch nhằm bảo vệ Trung Quốc khỏi những biến động của nền kinh tế thế giới.

►Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 hành tinh?

Theo các chuyên gia, nếu kinh tế Trung Quốc, hiện đang phục hồi nhanh chóng từ “cú sốc” đại dịch COVID-19, có thể đi theo quỹ đạo tăng trưởng như những năm gần đây, nước này sẽ vượt qua Mỹ trong thập niên tới. Các kế hoạch 5 năm của Trung Quốc gần đây tập trung vào tái cơ cấu công nghiệp và duy trì tốc độ tăng trưởng từ trung bình đến cao. Truyền thông Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh có thể sẽ hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong kế hoạch sắp tới khi nước này chuyển sang tăng trưởng chất lượng cao.

Ông Tập Cận Bình và các quan chức khác gần đây khẳng định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ mở cửa hơn nữa đối với nước ngoài. Trong bài phát biểu tại thành phố Thâm Quyến hồi tháng 10, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, nhưng đã làm dịu thông điệp đó bằng cách nói rõ rằng ông muốn một “hệ thống kinh tế mở mới” với hy vọng tránh để các kế hoạch mới trở thành “cột thu lôi” trong mối quan hệ đang xấu đi giữa Bắc Kinh với Washington và các đối thủ thương mại khác.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Mỹ năm nay vào khoảng 20.800 tỉ USD, trong khi của Trung Quốc là 14.860 tỉ USD. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ bỏ xa Trung Quốc, 63.000USD so với 10.800USD.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết