25/04/2021 - 19:20

Mỗi ngày có thêm 900.000 ca nhiễm COVID-19 

Ðến sáng 25-4, thế giới đã ghi nhận số người tử vong do đại dịch COVID-19 là hơn 3,11 triệu người, trong tổng số 147 triệu bệnh nhân. Với tốc độ lây nhiễm gần 900.000 ca mỗi ngày, dự kiến trong tuần này, tổng số người mắc COVID-19 trên toàn cầu sẽ nhanh chóng lên tới con số 150 triệu.

Bệnh viện quá tải bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Bệnh viện quá tải bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 32,8 triệu ca nhiễm và 586.000 ca tử vong. Ấn Ðộ đứng thứ hai về số ca nhiễm với gần 17 triệu trường hợp (192.000 người chết), trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 390.000 ca trong tổng số hơn 14,3 triệu ca nhiễm.

Trong số 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, 7 nước còn lại đều ở châu Âu, gồm Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Ý, Tây Ban Nha và Ðức, tất cả đều đã ghi nhận ít nhất 3,2 triệu ca nhiễm.

Ðáng chú ý là đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng tồi tệ tại Ấn Ðộ với số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay, trong khi hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ. Có thông tin nhiều người khá giả phải rời nước ra đi vì lo sợ cho tính mạng dù giá vé máy bay bị đẩy lên gấp 10 lần bình thường.

Chỉ trong 24 giờ tính tới sáng 25-4, Ấn Ðộ có thêm xấp xỉ 350.000 ca nhiễm mới và số người tử vong tăng thêm 2.761 người. Con số trên đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp Ấn Ðộ ghi nhận số ca mắc mới trên mức 200.000, ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới trên 300.000.

Nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô New Delhi, ra thông báo nguồn ô-xy sắp cạn kiệt. Giới chuyên gia y tế cho rằng Ấn Ðộ đã mất cảnh giác khi dịch bệnh COVID-19 dường như đã được kiểm soát trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2021, khi số ca mắc mới trong ngày ở mức khoảng 10.000, và đã dỡ bớt các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch, cho phép tập trung đông người trở lại. Chính phủ Ấn Ðộ bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ giữa tháng 1-2021 với mục tiêu đến trước tháng 7 sẽ tiêm cho 300 triệu người trong số hơn 1,3 tỉ dân của nước này, nhưng đến đầu tháng 4 mới chỉ có 60 triệu người Ấn được tiêm mũi đầu tiên.

Trong khi đó tại Thái Lan, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã ra lệnh đóng cửa 31 loại hình kinh doanh từ ngày 26-4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng thứ ba đại dịch COVID-19 tại thủ đô. Truyền thông sở tại dẫn lời người phát ngôn BMA Pongsakorn Kwanmuang cho biết các loại hình kinh doanh như rạp chiếu phim, vườn thú, quán cafe Internet, bể bơi công cộng, trung tâm thể hình, thư viện, bảo tàng, công viên, cơ sở chăm sóc sắc đẹp… sẽ phải đóng cửa trong vòng 2 tuần.

Các trung tâm mua sắm sẽ được phép mở cửa từ 11 giờ sáng đến 9 giờ tối, trong khi các cửa hàng tiện lợi trên toàn thủ đô sẽ đóng cửa từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Các cửa hàng cắt tóc chỉ có thể cung cấp dịch vụ cắt tỉa và gội đầu. Ngoài ra, những cuộc tụ tập từ 20 người trở lên cũng sẽ bị cấm.

Thái Lan trong ngày 25-4 ghi nhận số người tử vong theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xác nhận thêm 2.438 ca nhiễm mới, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này lên hơn 55.000. CCSA cũng xác nhận thêm 11 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 140.

QUỐC KHÁNH (Theo TTXVN, worldometers.info)

Hơn 1 tỉ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu

Hơn 1 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu tính tới ngày 24-4, mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này trong bối cảnh số ca mắc trên thế giới tiếp tục tăng mạnh.

Theo thống kê của Hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các nguồn tin chính thức, có ít nhất 1.002.938.540 liều vaccine đã được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ đứng đầu với 225,6 triệu liều vaccine đã được tiêm, kế đến là Trung Quốc với 216,1 triệu liều.

Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ dân số, Israel vẫn dẫn đầu khi cứ mỗi 10 người lại có gần 6 người được tiêm chủng đủ liều vaccine. Xếp sau Israel là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với hơn 51% dân số đã nhận được ít nhất một mũi vaccine, tiếp theo là Anh với 49%, Mỹ (42%), Chile (41%), Bahrain (38%) và Uruguay (32%).

Tại Liên minh châu Âu (EU), 128 triệu liều vaccine đã được tiêm cho 21% dân số. Malta đang dẫn đầu EU với 47% dân số đã được chủng ngừa và con số này của Hungary là 37%. Trong khi đó, Ðức mới chỉ có 22,6% dân số được tiêm chủng, còn của Tây Ban Nha là 22,3%, Pháp là 20,5% và Ý là 19,9%.

Tới nay, vaccine của AstraZeneca (Anh/Thụy Ðiển) vẫn là chế phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới khi được vào chương trình tiêm chủng của 156 trong tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong khi đó, vaccine của Pfizer (Mỹ/Ðức) được sử dụng tại 91 nước, vaccine của Moderna (Mỹ) 46 nước, vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) 41 nước, vaccine Sputnik V (Nga) 31 nước và vaccine Sinovac (Trung Quốc) 21 nước.

 

Chia sẻ bài viết