14/06/2019 - 07:32

Chạy đua vào ghế Thủ tướng Anh:

Mọi ánh mắt đổ dồn về Boris Johnson 

Là ứng viên sáng giá nhất cho ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng Anh, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson (ảnh) đồng thời là tâm điểm chỉ trích trong cuộc đua khốc liệt.

Hôm 12-6, ông Johnson chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử để trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Theresa May. Trong bài phát biểu tại thủ đô Luân Đôn, cựu Ngoại trưởng tập trung vào sức mạnh nội tại của nền kinh tế Anh và tương lai tươi sáng của đất nước sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi Brexit, thể hiện quyết tâm khôi phục niềm tin cử tri vào sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ.

Cam kết đưa Anh rời EU vào ngày 31-10, ông Johnson cho biết bản thân không chủ định theo đuổi kịch bản Brexit không thỏa thuận nhưng Anh cũng không thể tiếp tục trì hoãn tiến trình này. “Trì hoãn có nghĩa là thất bại, trì hoãn có nghĩa là đổ vỡ” – ông Johnson nhấn mạnh. Tuy không nêu biện pháp cụ thể, chính trị gia 55 tuổi tại cuộc họp với các nhà lập pháp ủng hộ “Brexit cứng” tuần rồi cho biết ông không loại trừ khả năng đình chỉ Quốc hội trong trường hợp bắt buộc ra đi không thỏa thuận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond tỏ ra nghi ngờ việc ông Johnson cũng như nhiều ứng viên cùng quan điểm có thể thực hiện lời hứa đưa Anh rời EU trong 4 tháng tới. Theo ông Hammond, ý tưởng đạt thỏa thuận mới với EU hoặc chấp nhận “Brexit cứng” để đảm bảo tiến trình “ly hôn” diễn ra đúng hạn là “rất khó, thậm chí không thể xảy ra”. Nguyên nhân là không có khả năng các quan chức ở Brussels chịu tái đàm phán. Mặt khác, Quốc hội Anh đến nay vẫn cương quyết bác bỏ kịch bản “Brexit cứng” mặc dù cũng không chấp nhận tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit hay thỏa thuận giữa chính quyền Thủ tướng May với EU.

Đồng quan điểm, “ngôi sao đang lên” trong cuộc đua là Bộ trưởng Phát triển quốc tế Rory Stewart cho rằng lời hứa đạt thỏa thuận mới hoặc “Brexit cứng” là “phi thực tế, ngớ ngẩn và dẫn đến thất bại”. Theo ông Stewart, Boris Johnson cùng nhiều ứng viên khác đưa ra cam kết tranh cử mà họ không thể thực hiện không chỉ làm xói mòn lòng tin trong nội bộ đảng mà còn đối với cử tri trong bối cảnh uy tín đảng Bảo thủ đang sụt giảm nặng nề. Trong khi đó, một ứng viên khác là Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid thừa nhận ông Johnson có kinh nghiệm, địa vị và giữ vai trò lớn trên chính trường Anh, nhưng cho rằng đảng Bảo thủ nói riêng và nước Anh nói chung cần một làn gió mới để kết nối thế hệ kế tiếp và đưa đất nước tiến lên, thay vì một “người cũ” như ông Johnson. Vị bộ trưởng 50 tuổi này tin tưởng bản thân đủ năng lực lãnh đạo đảng Bảo thủ và lèo lái đưa nước Anh vượt qua thách thức với kế hoạch đáng tin cậy rời EU vào cuối tháng 10.

Giữa bầu không khí tranh cử căng thẳng, giới quan sát cho rằng ông Johnson mặc dù vấp phải không ít phản đối về giải pháp Brexit, bị chỉ trích từng dùng chất gây nghiện và cáo buộc xem thường tính mạng người dân Yemen vì đã ủng hộ bán vũ khí cho Saudi Arabia (khi còn đương chức Ngoại trưởng) cùng những nghi ngờ về thành tích khi ông làm thị trưởng Luân Đôn, nhưng tất cả thách thức này sẽ không thể ngăn cựu Ngoại trưởng thay bà May trở thành Thủ tướng Anh. Với thời hạn Brexit ngày càng tới gần, các nhà phân tích cho rằng lý do khiến ông Johnson trở nên nổi trội và có khả năng giành chiến thắng nhất đó là so với các đối thủ, ông cho cử tri thấy được thái độ sẵn sàng đưa Anh rời EU, dù bằng cách này hay cách khác.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết