Hơn một trăm năm trước, khi con kinh xáng Xà No được khai mở với chiều dài hơn 34 cây số nối sông Cần Thơ với sông Cái Lớn, đã tạo ra một hệ thống giao thông chiến lược đưa Cần Thơ trở thành một đầu mối giao thương của cả vùng châu thổ sông Cửu Long.
Một trăm năm sau, nhiều “cánh cổng” tiếp tục được mở ra càng khẳng định vị trí trung tâm của Cần Thơ đối với khu vực đồng bằng. Đó là “cánh cổng đường thủy” vươn ra biển: Cảng Cái Cui; là “cánh cổng đường bộ”: Quốc lộ 1A Cần Thơ - Năm Căn (nâng cấp mở rộng); là cầu Cần Thơ nối liền đôi bờ sông Hậu; và đặc biệt là “cánh cổng trời”: Sân bay quốc tế Trà Nóc. Kỳ vọng về TP Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL càng được đặt lên cao hơn khi Sân bay quốc tế Trà Nóc được khôi phục cùng với các sân bay Cà Mau, Rạch Giá, Phú Quốc tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn rút ngắn khoảng cách Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL, cả nước và vươn ra thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà gần nửa thế kỷ trước, người Mỹ đã quyết định xây dựng sân bay Trà Nóc tại Cần Thơ chứ không phải xây dựng ở một tỉnh nào đó của ĐBSCL. Tạm gác qua một bên mục đích xây dựng sân bay Trà Nóc để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, có thể thấy rằng vị trí chiến lược - trung tâm Cần Thơ được xác định như một tất yếu mà ai cũng phải thừa nhận. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), sân bay Trà Nóc được chuyển thành căn cứ quân sự phục vụ bay huấn luyện của Sư đoàn 370. Đến năm 1993, Sân bay Trà Nóc được chuyển sang khai thác hàng không dân dụng với các bay tuyến nội địa Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ - Phú Quốc và ngược lại. Nhưng những đường bay này chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, cần phải có những đường bay dài hơn, xa hơn, nên chỉ sau một thời gian tái hoạt động, sân bay Trà Nóc đã tạm ngưng hoạt động.
Giờ đây, khi Cần Thơ- ĐBSCL cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, một lần nữa, “cánh cổng trời” Tây Đô lại rạo rực chuyển mình với nhiệm vụ hỗ trợ cho ĐBSCL cất cánh. Năm 2005, Sân bay Trà Nóc được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không dân dụng và Cụm cảng hàng không miền Nam quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp thành Cảng hàng không Cần Thơ (Sân bay quốc tế Trà Nóc), xây dựng đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay đảm bảo khai thác các loại máy bay (cấp 4E theo tiêu chuẩn phân cấp của ICAO) như A320 - A321-200 phục vụ bay nội địa và quốc tế.
***
Nhưng để sân bay Trà Nóc trở thành một sân bay quốc tế là một quãng đường không bằng phẳng! Tháng 9-2005, công trình cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Cần Thơ được khởi công xây dựng trên diện tích 268 ha. Công trình gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: từ 2005 - 2015, giai đoạn 2: từ 2015 - 2025, giai đoạn 3: thi công sau 2025, với số vốn dự kiến trên 3.500 tỉ đồng. Kỹ sư Trần Kiêm Thành, đại diện giám sát chủ đầu tư Cụm cảng hàng không miền Nam, bộc bạch: “Đến thời điểm này, việc thi công đã đi được hơn nửa chặng đường của giai đoạn 1. Đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ đã hoàn tất thi công lớp 1 và 2. Hơn 4.500 cọc cát (sâu 19m), 165.004 cọc đất gia cố xi măng (sâu 6m) - những công việc khó khăn, mất nhiều thời gian- đã thực hiện xong...”.
Thế nhưng, yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới đòi hỏi việc xây dựng Cảng hàng không Cần Thơ phải tương xứng với mục tiêu phát triển của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ không chỉ với các vùng, miền trong nước mà với cả khu vực Đông Nam Á. Thế là, chỉ chưa đầy một năm từ khi thi công nâng cấp, Bộ Giao thông Vận tải quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Cần Thơ, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động của các máy bay tầm xa như: Boeing B767, B747, B777... Theo đó, kế hoạch khai thác Cảng hàng không Cần Thơ được đưa ra với các đường bay nội địa: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Cam Ranh và ngược lại. Còn các đường bay quốc tế sẽ là: Cần Thơ đến Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia và ngược lại. Năng lực vận tải tối đa của sân bay này trong điều kiện mới là 10 triệu lượt hành khách/năm. Như vậy, cùng với các sân bay Rạch Giá, Cà Mau, Cụm cảng hàng không Cần Thơ sẽ góp phần tạo thành một hệ thống cảng hàng không liên hoàn, tạo ra một mạng lưới giao thông hàng không đồng bộ, khơi dậy và đánh thức tiềm năng kinh tế của cả vùng đất rộng lớn ở miền Tây Nam của Tổ quốc.
 |
Phối cảnh sân bay quốc tế Trà Nóc. Ảnh: THIỆN KHIÊM |
Hiện tại, khi công trình xây dựng Cụm cảng hàng không Cần Thơ đang còn bộn bề, nhiều người có vẻ nghi ngờ mục tiêu 10 triệu lượt hành khách mỗi năm. Nhưng ông Võ Ngọc Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 586, người có nhiều tâm huyết với sự phát triển của Cần Thơ - ĐBSCL, lại tỏ vẻ tin tưởng. Trong buổi trò chuyện với tôi tại một quán cà phê bên dòng sông Cần Thơ hiền hòa một ngày cuối năm Đinh Hợi, ông Châu bày tỏ niềm tin: “Thông qua chiếc máy điện thoại, máy vi tính, giờ đây chúng ta có thể trao đổi liên lạc, tính chuyện làm ăn với các đối tác khắp thế giới nhanh như chớp. Thế nhưng, nhà đầu tư vẫn muốn đến tận nơi, nhìn thấy “bằng da, bằng thịt” thì mới tin, mới dám mạnh dạn đầu tư. Sân bay quốc tế Trà Nóc sẽ giúp nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rút ngắn thời gian đi lại. Việc lựa chọn đầu tư tại Cần Thơ sẽ không còn ngại mất lợi thế về địa lý. Như vậy, những thế mạnh của Cần Thơ - ĐBSCL sẽ phát huy tốt hơn. Nó còn là “chiếc cầu nối” để nhà đầu tư khi đến Cần Thơ sẽ dễ dàng đến các tỉnh trong khu vực ĐBSCL bàn chuyện hợp tác làm ăn. Vì thế, mục tiêu 10 triệu lượt hành khách/ năm là không quá xa vời”.
Còn bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, thì gắn “cổng trời” Tây Đô với chuyện làm ăn của mình: “Là giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên tôi thường đi nước ngoài để tiếp thị, chào hàng. Nếu có những chuyến bay từ Cần Thơ đi Thái Lan, Singapore hay Hàn Quốc thì thuận tiện vô cùng. Thời gian đối với doanh nghiệp là “vàng”, rút ngắn được khoảng cách về địa lý, về thời gian cũng có nghĩa là tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp”.
***
Định hướng và triển vọng phát triển đã rõ. Song, đến nay, điều làm nhiều người băn khoăn là liệu Sân bay quốc tế Trà Nóc có kịp hoàn thành để bắt đầu khai thác vào cuối năm 2008? Trò chuyện với tôi trên công trình vẫn còn ngổn ngang trong một buổi chiều cuối năm 2007, kỹ sư Trần Kiêm Thành nói: “Chúng tôi quyết tâm đưa sân bay vào khai thác cuối năm 2008. Làm ngày không kịp, chúng tôi sẽ tăng ca làm đêm. Đây không chỉ là chuyện hoàn thành một công trình trọng điểm, mà còn là trách nhiệm, bổn phận đối với sự phát triển của Cần Thơ, của ĐBSCL và cả nước”. Kỹ sư Thành cũng cho biết, phương án xây dựng nhà ga tạm được đưa ra là chuyển nhà ga quốc nội của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xuống đặt tại vị trí dự kiến xây nhà xe ngoại trường của khu hàng không dân dụng Sân bay quốc tế Trà Nóc. Đầu năm 2008, dự án xây dựng nhà ga hành khách công suất 3 triệu hành khách/năm với tổng diện tích sàn 20.750m2; đường ra vào, bãi đỗ ô tô 18.064m2 (kinh phí trên 530 tỉ đồng) sẽ được khởi công xây dựng. Tất cả đang dồn sức để Sân bay quốc tế Trà Nóc sớm đi vào hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của người dân Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước.
Song song với việc xây dựng Sân bay quốc tế Trà Nóc, công trình đường Mậu Thân - Sân bay quốc tế Trà Nóc đang được thi công sẽ là con đường huyết mạch, không chỉ phục vụ cho việc khai thác sân bay mà còn tạo ra động lực phát triển đô thị phía Tây Bắc TP Cần Thơ. Thời gian gần đây, nhận thấy tiến độ thi công tuyến đường này còn chậm, cũng như nhiều người dân thành phố, bác Sáu Hơn, một cư dân phường Bình Thủy, không khỏi trăn trở: “Con đường này sớm muộn gì rồi cũng sẽ hoàn thành. Nhưng nếu chủ đầu tư và nhà thầu tìm cách thi công nhanh hơn cho kịp với tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động sân bay quốc tế Trà Nóc, cầu Cần Thơ, thì thành phố mình sẽ phát triển nhanh hơn, diện mạo đô thị sẽ khang trang hơn nhiều. Mong lắm!”.
 |
Trên công trường thi công sân bay quốc tế Trà Nóc giai đoạn 1. Ảnh: THIỆN KHIÊM |
Tôi đem nỗi trăn trở này trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Cùng chia sẻ nỗi bức xúc, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Đúng là tiến độ thi công có chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Nếu công trình Sân bay quốc tế Trà Nóc đi vào khai thác mà không có đường chính vào thì bất cập quá... Chúng tôi quyết tâm chỉ đạo thực hiện công trình này đúng kế hoạch”. Khi tôi đi thực tế để lấy tư liệu cho bài viết này dịp cuối năm 2007, công tác đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng của công trình đã trải qua thời điểm khó khăn nhất. Hy vọng công trình đường Mậu Thân - Sân bay quốc tế Trà Nóc sẽ hoàn thành đúng như kế hoạch đề ra.
TP Cần Thơ đã có được cảng biển lớn nhất vùng ĐBSCL - Cảng Cái Cui. Khi luồng tàu từ biển vào được khơi thông, nơi đây sẽ thành trung tâm vận chuyển hàng hải lớn nhất vùng. Vì sự cố bất ngờ, việc hoàn thành Cầu Cần Thơ có thể chậm hơn so với dự kiến ban đầu, nhưng chắc chắn đôi bờ sông Hậu rồi sẽ không còn cảnh đò giang cách trở. Và khi Cảng hàng không Cần Thơ - Sân bay quốc tế Trà Nóc đi vào hoạt động cuối năm 2008, chắc chắn “cổng trời” này sẽ tạo ra một động lực mới giúp Cần Thơ - ĐBSCL cất cánh mạnh mẽ, hướng tới một tương lai phồn thịnh.
***
Buổi chiều một ngày cuối năm dương lịch, tôi đưa con gái sắp tròn bốn tuổi ra hóng gió, ăn kem ở khu Bãi Cát. Nhìn mấy đứa trẻ phóng những chiếc máy bay làm bằng giấy lên bầu trời, con gái tôi nũng nịu: “Cha ơi! Mai mốt cha cho đi máy bay nghen cha!”. Nghe con nói, bất giác tôi nghĩ về một viễn cảnh tươi đẹp: Một buổi sáng đẹp trời, tôi ngồi trước vô lăng chiếc xe 4 chỗ bon bon trên tuyến đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc đưa con gái tôi ra phi trường. Lúc ấy, cô con gái bây giờ đã là một thiếu nữ mười tám, đôi mươi. Đưa con đến phòng làm thủ tục bay xong, tôi vẫy tay chào, tiễn con lên đường đi du học. Rồi tôi trở lại cái bến sông ở khu Bãi Cát. Lúc đó, bến phà Cần Thơ đã lùi xa vào dĩ vãng. Trên cái nền sông nước ở khu bến phà ngày xưa ấy, những chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Trà Nóc đang vút lên bầu trời xanh trong vắt để đưa những sinh viên, doanh nhân, các nha lãnh đạo, du khách... từ Cần Thơ đi khắp thế giới và từ khắp thế giới đến với Cần Thơ- thành phố hiền hòa, thành phố xanh bên bờ sông Hậu. Tôi ngồi ở đó, mong ngày con gái thành đạt trở về. Và tôi tin, đó không phải là viễn cảnh quá xa vời, với tôi cũng như nhiều người dân vùng ĐBSCL.
THIỆN KHIÊM