15/11/2020 - 22:48

Mặt trái của thiết bị công nghệ chống COVID-19 

Từ thiết bị theo dõi có thể biết được chỗ ngủ của một người vào ban đêm đến công cụ phát hiện xem họ có đeo khẩu trang hay không, Chính phủ Ấn Độ đang phụ thuộc vào công nghệ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, bất chấp những lo ngại gia tăng về quyền riêng tư.

Ứng dụng Aarogya Setu theo dõi liên lạc, thu thập dữ liệu vị trí GPS người dùng của Chính phủ Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ứng dụng Aarogya Setu theo dõi liên lạc, thu thập dữ liệu vị trí GPS người dùng của Chính phủ Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Ấn Độ kêu gọi các công ty trong nước phát triển công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới. Các sản phẩm công nghệ này cho phép theo dõi sự di chuyển của người dân, kiểm tra thân nhiệt và thực thi lệnh giãn cách xã hội.

Pixuate là một trong 6 công ty được Ban Phát triển Công nghệ (TDB) của Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 5 chọn để phát triển “giải pháp xác định những người có thân nhiệt bất thường trong đám đông với chi phí thấp” trước khi phát đi cảnh báo tới các cơ quan chức năng. TDB cho biết, thiết bị do Pixuate tạo ra được trang bị tính năng nhận dạng khuôn mặt cũng như có khả năng theo dõi một người ngay cả khi họ đang đeo khẩu trang, thậm chí dự đoán tuổi, giới tính và chủng tộc của họ. Mới đây, giới chức Ấn Độ đã cho lắp đặt thiết bị này tại một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở thành phố Bengaluru, thủ phủ bang Karnataka. Akshata Kari, đồng sáng lập Pixuate, tiết lộ công ty này dự kiến vào cuối năm nay sẽ cho lắp đặt sản phẩm mới của mình “tại một số doanh nghiệp lớn cũng như các cơ quan chính phủ”.

Thật ra, công nghệ được Pixuate sử dụng đang được nhiều nước trên thế giới “chuộng” trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, công dụng và hiệu quả của chúng còn gây nhiều tranh cãi, bởi chúng được cho có thể vi phạm quyền riêng tư. Urvashi Aneja, đồng sáng lập kiêm Giám đốc chính sách của Tandem Research, đơn vị theo dõi các công cụ công nghệ được sử dụng trong mùa đại dịch, cho biết một số thiết bị như của Pixuate rất “đáng báo động”. Theo bà Aneja, ít nhất 88 công cụ công nghệ đã được Ấn Độ sử dụng để đối phó với đại dịch. Đơn cử, Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 4 tung ra ứng dụng di động giúp theo dõi liên lạc gọi là Aarogya Setu, thu thập dữ liệu vị trí GPS của người dùng thông qua Bluetooth để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung. Dù việc cài đặt ứng dụng này nói chung là tự nguyện, nhưng nhân viên giao đồ ăn, nhân viên chính phủ và một số nhân viên khu vực tư nhân bắt buộc phải cài đặt nó.

Cũng trong tháng 4, kế hoạch phát triển “công cụ theo dõi bệnh nhân COVID-19” cùng với “giải pháp GPS theo dõi nhân sự” của Chính phủ Ấn Độ đã gây ra làn sóng phản đối từ các nhóm quyền kỹ thuật số. Họ cho rằng chính phủ đã vượt ra ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tiến hành giám sát hàng loạt. Đáp lại, Công ty tư vấn công nghệ truyền thông (Becil) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Ấn Độ nói rằng công cụ này sẽ giúp phát hiện “những nơi mà bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 thường lui tới, những người mà họ gặp cũng như nơi họ thường mua đồ ăn, đi dạo và ngủ vào ban đêm”.

Trong bối cảnh trên, Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad tuyên bố New Delhi sẽ có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm giải quyết những lo ngại của công dân về quyền dữ liệu riêng tư. Song, với hàng loạt biện pháp công nghệ được triển khai để đối phó với COVID-19, các nhà vận động cảnh báo về khả năng sử dụng dữ liệu cho các mục đích khác sau khi đại dịch qua đi.

HOÀNG NAM (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết