03/08/2016 - 21:31

MẠNG XÃ HỘI - CÔNG CỤ ĐẮC LỰC CHO CÁC HOẠT ĐỘNG THIỆN NGUYỆN Ở ẤN ĐỘ

Mạng xã hội đang là công cụ chia sẻ cảm xúc hay khoe ảnh của nhiều người, thế nhưng thời gian gần đây nó được sử dụng rất hiệu quả cho các hoạt động thiện nguyện ở Ấn Độ.

Vào một buổi chiều âm u ở khu Marine Lines của thành phố Mumbai (Ấn Độ), nhưng đám trẻ xôn xao hẳn lên với câu chào "Didi, hi," khi chúng nhận ra khoảng 15 người đang tiến về phía chúng với những gói thức ăn nóng hổi. Đám trẻ là những đứa trẻ vô gia cư sống trên vỉa hè, trong khi những người mang thức ăn là các thành viên của Robin Hood Army (RHA), một nhóm tình nguyện viên chuyên đi phát thức ăn cho trẻ em nghèo ở nhiều thành phố khắp Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.

Nhóm Robin Hood Army với trẻ em vô gia cư.

Đám trẻ đã nở nụ cười thật tươi khi chúng nhận ra Saloni Kapoor - người quản lý khu vực Mumbai của RHA, rồi cất tiếng cám ơn "Thank you" rất chân thành sau khi mỗi đứa đã nhận một gói thức ăn. Mỗi lần đi phát, các thành viên nhóm RHA mang đến 200 gói cơm trộn và chia thành nhiều hướng để đi phát.

Được thành lập năm 2014, RHA đã phát triển rất nhanh chóng, chủ yếu là nhờ mạng xã hội Facebook. Thay vì hình thành một tổ chức tập trung có cấp bậc rõ ràng, RHA lại hoàn toàn dựa vào mạng xã hội – lên kế hoạch thông qua các nhóm trò chuyện WhatsApp, trong khi Facebook được dùng để quản lý toàn bộ tổ chức và đăng hình ảnh để quảng bá hoạt động, từ đó thu hút thêm thành viên cũng như hun đúc tinh thần của họ về hoạt động mà họ đang tiến hành.

Một nhóm khác là "Who Is Hussain?" chuyên đi phân phát thực phẩm cho người nghèo và cũng rất biết cách phát huy "sức mạnh" của mạng xã hội. Asad Zaidi, người đứng đầu nhóm ở Ấn Độ, chia sẻ, trong tháng Ramadan năm nay, nhóm này đã phát 1.000 gói thực phẩm cho người nghèo. Mỗi gói gồm có 5 kg gạo và 2 kg đậu lăng, đủ dùng cho một gia đình 4 người trong một tuần.

Asad Zaidi tiết lộ Facebook là công cụ giúp nhóm hoạt động hiệu quả nhất ở Ấn Độ. Nhóm thường vận động quyên góp cho nhiều hoạt động trên Facebook với số tiền yêu cầu thường nhỏ, khoảng 300 – 700 rupee (4,5 – 10,5 USD) để phân phát thực phẩm. Ngoài thực phẩm, nhóm "Who Is Hussain?" cũng cứu trợ lều cho nạn nhân động đất Nepal, chai nước uống cho nạn nhân đợt lũ Chennai và thiết lập những chỗ uống nước miễn phí trong đợt nắng nóng kỷ lục.

Đối với nhóm nhóm "Who Is Hussain?", Facebook là một công cụ vận động quyên góp rất hiệu quả, vì khi vận động trực tiếp, nhóm có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào những mạnh thường quân lớn, và họ có thể tác động đến công việc của nhóm. Bằng cách dựa vào Facebook, nhóm có thể tiếp cận một mạng lưới những nhà hảo tâm lớn, và không chỉ gây quỹ, mà còn tạo được sự chú ý.

Cả hai nhóm này chỉ đơn thuần vì hoạt động thiện nguyện, nhưng có một nhóm khác ở thành phố Bengaluru mang tên The Nudge, lại giống một tổ chức phi chính phủ NGO truyền thống. The Nudge được sự hậu thuẫn của công ty Tata Trust và công ty Mphasis, trong khi ban điều hành của nó có những sếp nổi tiếng như Hugo Barra của Xiaomi và Neeraj Arora của WhatsApp. Được thành lập với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tổ chức này tập trung vào việc xây dựng kỹ năng sống cho thanh niên nghèo với chương trình Gurukul.

Sayi Pavithrasagar, đại diện của The Nudge, chia sẻ chương trình tư vấn của họ thành công là nhờ Facebook. Chương trình này kết nối các học viên Gurukul với các chuyên gia cố vấn tình nguyện nào đó, chẳng hạn như lái xe, rồi các chuyên gia này sẽ giúp học viên hiểu rõ hơn về nghề nghiệp cũng như tạo cơ hội cho học viên được tập lái trước khi bắt đầu nghề nghiệp của mình. The Nudge sử dụng Facebook để tuyển chọn 140 chuyên gia cố vấn, rồi lọc lại còn 10 người. Kết quả là 10 chuyên gia này rất nhiệt huyết với việc cố vấn cho học viên Gurukul và hoạt động kết nối diễn ra rất hiệu quả. Nếu không có Facebook, việc phổ biến mục tiêu của nhóm và tìm kiếm tình nguyện viên sẽ vô cùng khó khăn.

Tuy chỉ mới nổi lên trong thời gian gần đây, nhưng phong trào sử dụng mạng xã hội cho các hoạt động thiện nguyện ở Ấn Độ đang cho thấy sức lan tỏa rất lớn nếu nhìn vào tốc độ phát triển rất nhanh của nó, cũng như cách mọi người hưởng ứng rất mạnh mẽ trước sự vận động của các nhóm thiện nguyện. Họ đang cho thấy mạng xã hội vẫn có thể được sử dụng để giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Lê Phi (Theo Gadgets360)

Chia sẻ bài viết