01/01/2012 - 09:27

Lực bất tòng tâm

Nhà hoạt động Anna Hazare đã dọa sẽ lại tuyệt thực nếu dự luật chống tham nhũng không được Quốc hội Ấn Độ thông qua. Ảnh: AP

Dự luật về phòng chống tham nhũng ở Ấn Độ một lần nữa bị ách lại tại Thượng viện (còn được gọi là Rajay Sabha), đánh dấu thời gian nó bị “neo” ở Quốc hội nước này lên tới mức kỷ lục – 42 năm.

Báo chí Ấn Độ cho biết sau một ngày tranh cãi nảy lửa đến tận nửa đêm 29-12 (theo giờ địa phương) trong phiên họp cuối cùng của năm 2011, Rajay Sabha đã quyết định hoãn vô thời hạn việc xem xét dự luật nói trên. Đây được coi là thất bại nặng nề nhất của Chính phủ Ấn Độ trong nỗ lực lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và hạ nhiệt làn sóng biểu tình vì bất bình trước tình trạng tham nhũng tràn lan ở Ấn Độ.

Bất ngờ ở chỗ không phải phe đối lập đã cản trở mà chính các đối tác trong liên minh cầm quyền do đảng Quốc đại của Thủ tướng Manmohan Singh đứng đầu đã “phong tỏa” dự luật. Các ông nghị đảng Trinamool đã làm cho những người anh em đảng Quốc đại phải muối mặt ê chề khi “trở quẻ” vào phút chót, dù trước đó vài ngày chính đảng này đã bỏ phiếu thuận giúp dự luật vượt “ải” Hạ viện (còn được gọi là Lok Sabha).

Lok Sabha trước đó vẫn được coi là “chốt chặn” khó qua nhất bởi những đợt phản đối quyết liệt từ phe đối lập. Tuy nhiên, sau những cuộc thương lượng và điều chỉnh, dự luật cũng giành lấy được sự ủng hộ của các hạ nghị sĩ phe đối lập. Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee cho biết hầu hết các đảng phái đã đồng ý về nguyên tắc việc thành lập ủy ban độc lập chống tham nhũng và cơ quan này có quyền điều tra, truy tố chính khách và công chức ở nhiều cấp quản lý thông qua một cơ chế phù hợp.

Ấy vậy mà, như nhận xét của hãng tin Anh Reuters ngày 31-12, khi lên đến Rajay Sabha, nó lại bị một đảng nhỏ như Trinamool, vốn chỉ có 6 ghế tại Thượng viện, làm cho rối tung lên. Các ông nghị Trinamool lập luận rằng họ không đồng ý với những từ ngữ dùng trong dự luật mà họ cho là “dường như buộc các bang mạnh của Ấn Độ phải theo sự lãnh đạo của chính quyền trung ương” trong việc thiết lập cơ quan giám sát độc lập để điều tra, truy tố các chính khách và công chức dính tới tham nhũng. Sự quay quắt của Trinamool đã khiến nghị trường Rajay Sabha, vốn tích tụ không khí căng thẳng, chính thức bùng nổ, đến độ một ông nghị phe đối lập đã đứng lên xé toạc bản thảo dự luật và công kích Thủ tướng Manmohan Singh, cho rằng chính phủ của ông “không biết cách quản lý liên minh cầm quyền”.

Đây không phải là lần đầu tiên Trinamool làm mất mặt liên minh cầm quyền của Thủ tướng Manmohan Singh. Reuters cho biết, đảng này dưới sự lãnh đạo của Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee cũng đã từng “phong tỏa” một thỏa thuận quan trọng khác hồi đầu năm nay nhằm chia sẻ nguồn nước với Bangladesh, bắt bẻ rằng do đã không được thông tin chi tiết trước về thỏa thuận. Với “sự cố” hôm 29-12 vừa qua, Trinamool trách đảng Quốc đại đã không tham vấn họ một cách đầy đủ.

Có thể nói, việc dự luật chống tham nhũng không được thông qua là một đòn giáng mạnh vào đảng Quốc đại cầm quyền. Thủ tướng Manmohan Singh đã không ngớt lời kêu gọi các nhà lập pháp thông qua dự luật trước cuối năm 2011 nhằm giải tỏa sức ép của dư luận trong nước về nạn tham nhũng trầm trọng ở Ấn Độ, đặc biệt sau các cuộc biểu tình và tuyệt thực của các nhà hoạt động chống tham nhũng. “Luật chống tham nhũng sẽ có tác động nhanh chóng, tích cực đối với việc kiềm chế nạn tham nhũng mà không gây tác dụng tiêu cực đối với hiệu quả của hệ thống hành chính công” - ông Singh nhấn mạnh. Nhưng rõ ràng, ông vẫn đang trong cảnh “lực bất tòng tâm”.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết