06/11/2017 - 08:53

Anh hùng LLVTND, Đại tá Phạm Hồng Thấy, nguyên Tỉnh đội phó tỉnh Cần Thơ

Lộ Vòng Cung là biểu tượng về tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta 

Từ nhỏ tôi đã có ý nguyện đi bộ đội, thế nên khi gặp mấy chú bộ đội ở địa phương (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), tôi bắt chuyện làm quen rồi hướng dẫn viết lý lịch tham gia địa phương quân. Năm 1961, tôi chính thức nhập ngũ ở Tiểu đoàn Tây Đô 1 khi vừa tròn 18 tuổi, cho  đến năm 1972, tôi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô 3. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đã tham gia 120 trận đánh lớn nhỏ, diệt 270 tên địch, trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, tham gia nhiều trận đánh ở khắp các mặt trận Cần Thơ, Phụng Hiệp, Long Mỹ… Kỷ niệm về những ngày tháng gian nguy nhưng đầy tự hào thì không kể xiết, trong đó tôi không bao giờ quên những ngày sát cánh cùng đồng đội ở chiến trường Lộ Vòng Cung. Bởi sau Tết Mậu Thân năm 1968, Vòng Cung đã đi vào lịch sử của Cần Thơ, của ĐBSCL như một địa danh huyền thoại – Nơi trở thành biểu tượng của chiến tranh ác liệt, gian khổ, vừa là biểu tượng về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân, dân ta… Để đi đến chiến thắng, nhiều người đã nằm xuống. Địa danh nào trên tuyến lộ cũng gắn liền, vang danh chiến công Tiểu đoàn Tây Đô, chủ lực Quân khu 9, dân quân du kích…

Tôi còn nhớ giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ngày 26-4, lúc đó tôi cùng đồng đội được lệnh tiến công vào chiến trường Lộ Vòng Cung với nhiệm vụ “mở cửa” và “giữ cửa” để chuẩn bị tấn công vào hai phân chi khu của địch. Bất ngờ hôm sau (27-4), đơn vị lại được lệnh rút ra, trong khi anh em đều đi bộ, trong lúc đó địch có xe lội nước, bộ binh, dưới sông có tàu tuần tra, canh gác cẩn mật. Chưa kể lực lượng chủ lực của Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 của địch dày đặc, trung bình cứ 1 chiến sĩ ta phải đối đầu với 20 tên lính ngụy. Nhưng không vì thế anh em nao núng, lo sợ bởi tuy lực lượng địch đông nhưng đa số đều tàn dư của chiến trường Buôn Mê Thuột được địch điều về vùng IV chiến thuật. Nên chúng tôi mưu trí lợi dụng kẻ hở của tâm lý chán chường, sự chủ quan của địch, giữa đêm len lõi ra vào Vòng Cung nhanh chóng, an toàn.

Đêm 29-4, đơn vị tôi được chủ trương tiến vào Lộ Vòng Cung, chúng tôi chia làm 2 mũi hành quân về Ngã Ba Bàu – kế Vàm Xáng và kênh Xà No cạn, “mở cửa” Vòng Cung. Trong đó, có 2 đại đội ở Ngã Ba Bàu, 2 đại đội ở Xà No cạn, chiến đấu với 1 trung đoàn 32, Sư đoàn 7. Ta và địch chỉ cách nhau khoảng  60 – 70 mét. Đến 20 giờ ngày 29-4, một trung đoàn địch ngăn không cho ta tiến vào Vòng Cung. Đúng 5 giờ sáng, ngày 30-4, Tỉnh đội cho phép ta đánh Trung đoàn 32, đến khoảng 11 giờ trưa, khi hay tin Dương Văn Minh đầu hàng, lực lượng của địch ở chiến trường Lộ Vòng Cung hoang mang cao độ, không còn ý chí chiến đấu và nhanh chóng đầu hàng. Tôi lúc này bị thương ở chân, đi lại khó khăn, phải bò đi lấy vũ khí để bao vây, khống chế đồn, đề phòng địch đánh bom hoặc nổ súng phản kích. Do đa số là lính của Sư đoàn 7 thất thủ ở Buôn Mê Thuột, chúng về đây vừa củng cố, vừa ngăn chặn tuyến Lộ Vòng Cung không cho ta vào nên chúng rất lo sợ, nao núng và dễ dàng đầu hàng. Ta thu được nhiều súng đạn, xe tăng của địch. Lực lượng Tiểu đoàn Tây Đô 1 lấy 10 chiếc xe M113 chở một đại đội trinh sát thọc sâu đánh thẳng Dinh Tỉnh trưởng, đến 17 giờ chiều, ta bắt sống nhiều sĩ quan cấp cao của địch, trong đó có tên Mạc Xuân Trường, chuẩn tướng Hưng. Riêng Nguyễn Khoa Nam –Tư lệnh Vùng IV chiến thuật, tự sát tại Dinh Tỉnh trưởng. 

Ngày Vòng Cung giải phóng, bà con vô cùng phấn khởi, vỡ òa hạnh phúc. Không vỡ òa sao được khi thành quả ấy là những tháng ngày bà con góp gạo, lấy tài sản quý cho cách mạng làm công sự, là những ngày cưu mang, che chở, nuôi quân trong hầm tối. Không vui sao được khi cha mẹ, vợ chồng, con sống trong cảnh ly tan, làng quê bị tàn phá, nay trở về sum họp, xây dựng lại quê hương. Ở đó, còn có những du kích địa phương quả cảm, bám trụ chiến trường, cùng bộ đội chủ lực góp sức cho ngày toàn thắng. Ở chiến trường Vòng Cung, trong hầu hết các trận đánh có thể thấy lực lượng ta luôn đối đầu đều không cân sức với địch, nhưng có lẽ chính tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm, người lính Tây Đô đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Tôi nhớ mãi những đồng đội dũng cảm chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Tuổi trẻ chúng tôi luôn giữ trọn lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong mỗi trận đánh, chúng tôi quyết tâm giành thắng lợi bất chấp những gian khổ, hy sinh.

***

6 năm qua, tôi cũng tập hợp đồng đội ở Tiểu đoàn Tây Đô 3 thành lập nhóm liên lạc gồm 27 anh em. Đều đặn 3 tháng, anh em họp mặt tại nhà đồng đội. Qua những buổi họp, đồng đội kể nhau nghe ký ức đẹp thời làm lính Tây Đô. Ai gặp nhiều khó khăn, đồng đội góp tiền cho mượn, hay bàn bạc tìm cách vận động mạnh thường quân, giúp đỡ xây nhà, tặng quà, thăm hỏi động viên nhau phấn đấu vươn lên.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lộ Vòng Cung trở thành địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử, nơi diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng gay go ác liệt trên chiến trường Cần Thơ, là minh chứng hào hùng cho cuộc chiến thần tốc, rực lửa, góp phần vẻ vang cho truyền thống cách mạng của quân và dân Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, điều tôi mong mỏi là thành phố sẽ quy hoạch xây dựng và tái hiện nhiều hạng mục lịch sử có ý nghĩa để mãi ghi nhớ, tôn vinh những sự kiện gắn liền với vùng đất Vòng Cung, đồng thời để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…

TÚ ANH (ghi)

Chia sẻ bài viết