Sau các đợt oanh kích liên tiếp, liên quân do Mỹ-Pháp-Anh dẫn đầu đã mở rộng “vùng cấm bay” chống chính quyền Libye trong lúc cuộc nội chiến tại nước này bước vào giai đoạn khốc liệt khi lực lượng nổi dậy bắt đầu phản công.
Mở rộng “vùng cấm bay”
|
Một xe quân sự Libye trở thành đống sắt vụn. Ảnh: Reuters |
Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi (Africom) của Mỹ, Tướng Carter Ham, cho biết sau khi đã áp đặt “vùng cấm bay” ở phía Đông, trong đó có thành phố Benghazi - “đại bản doanh” của phe nổi dậy, từ sáng 22-3 (giờ Hà Nội), liên quân đã bắt đầu mở rộng “vùng cấm bay” về phía Nam và Tây Libye. Sau hai khu vực này, theo Tướng Ham, lần lượt các thành phố duyên hải phía Bắc như Brega và Misrata, rồi đến Thủ đô Tripoli sẽ nằm trong tầm “cấm bay” của liên quân hiện vẫn do Mỹ dẫn dắt thế trận. Tướng Ham cho biết “vùng cấm bay” ở Libye sẽ bao trùm khoảng 1.000 km, trong đó có Thủ đô Tripoli.
Theo hãng tin Mỹ AP, một phi đội máy bay chiến đấu đầu tiên của Canada gồm 6 chiếc CF-18 Hornet đã được huy động tham gia duy trì “vùng cấm bay” tại Libye. Trước đó, các quan chức Mỹ cho biết sẽ có thêm Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch và Qatar tham gia chiến dịch quân sự này.
Chưa có cơ hội ngừng chiến
|
Quân nổi dậy ở thành phố Benghazi “ăn mừng” chiến dịch quân sự của phương Tây. |
Theo kế hoạch ngày mai 24-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) sẽ họp và nghe Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tóm tắt tình hình tại Libye sau 7 ngày cơ quan này thông qua nghị quyết 1973 cho phép áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này. Quyết định này được ra trong cuộc họp kín ngày 21-3 của các thành viên HĐBA sau khi nhận được bức thư của Ngoại trưởng Libye Musa Kousa, cáo buộc về một “âm mưu từ bên ngoài đang nhằm vào Libye”, tấn công một quốc gia độc lập và là thành viên của LHQ. Trong bức thư này đề ngày 19-3, Ngoại trưởng Kousa đã cáo buộc liên quân Mỹ, Anh và Pháp ném bom nhiều khu vực dân sự, vi phạm Hiến chương LHQ và kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm chấm dứt hành động xâm lược trên. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định cuộc họp này ít có khả năng đạt được kết quả có thể giúp chấm dứt tình hình chiến sự ở Libye.
Phát biểu trong một cuộc họp báo khẩn cấp ngày 22-3, người phát ngôn Chính phủ Libye, ông Mussa Ibrahim đã kịch liệt lên án các vụ ném bom của liên quân. Ông Ibrahim nhấn mạnh các nước phương Tây đã không kích Libye liên tiếp kể cả sau khi các lực lượng quân đội Libye tuyên bố ngừng bắn toàn diện và chấm dứt mọi hành động quân sự. Theo ông, liên quân do Mỹ, Anh và Pháp cầm đầu đã đánh phá thị trấn miền Nam Sebha, thành trì của bộ lạc Guededfa của Nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi và thành phố Sirte, nơi đặt một số cơ quan quan trọng của chính phủ, và cũng là quê hương của ông Gadhafi. Đã có thêm nhiều dân thường thiệt mạng, nhiều sân bay dân sự và cảng biển bị phá hủy trong các vụ không kích mới.
Lợi dụng cơ hội không kích của liên quân, phe nổi dậy chống chính quyền Libye đã tổ chức phản công nhằm vào lực lượng trung thành của ông Gadhafi ở khu vực ngoại vi thành phố Ajdabiya và vùng phụ cận cảng dầu mỏ Zwitina. Giao tranh giữa hai bên cũng tiếp tục diễn ra ác liệt ở thành phố Misrata làm ít nhất 40 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Nhiều nguồn tin cho biết lực lượng nổi dậy ở Benghazi được trang bị súng trường, súng phóng lựu và súng bắn máy bay cũng bắt đầu các cuộc phản công ở các khu vực ngoại ô thành phố sáng 22-3.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)