12/10/2021 - 09:00

Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo 

Ðể nâng cao hiệu quả trồng lúa và giúp đầu ra sản phẩm ổn định, TP Cần Thơ cùng nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp xây dựng, phát triển cánh đồng lớn (CÐL) và các  mô hình cánh đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Ðồng thời, tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất và khả năng liên kết, hợp tác giữa các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa tại mô hình CĐL tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Hiệu quả thiết thực

Từ năm 2011, mô hình CÐL (trước đây gọi là cánh đồng mẫu lớn) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động xây dựng và nhân rộng tại vùng ÐBSCL. CÐL được đánh giá là mô hình rất hiệu quả trong liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Hiện mô hình này triển khai thực hiện khắp các địa phương vùng ÐBSCL mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn, tập trung, hiện đại. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong các vụ lúa đông xuân 2020-2021 và hè thu 2021, mô hình CÐL lúa được thực hiện tại các tỉnh, thành vùng ÐBSCL với tổng diện tích đạt 140.000-150.000ha, còn vụ thu đông 2021 đạt 93.479 ha.

Tại TP Cần Thơ, mô hình CÐL thực hiện từ vụ hè thu 2011, với diện tích ban đầu chỉ 400ha, nhưng những năm gần đây đã tăng lên ở mức trên 30.000ha/vụ, giúp nông dân thuận lợi đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra sản phẩm. Nông dân tham gia CÐL gieo sạ tập trung, đồng loạt cùng một loại giống trên cánh đồng và cùng áp dụng một quy trình sản xuất để có sản phẩm đồng đều về chất lượng, an toàn, giá bán cao. Nông dân khi tham gia CÐL và thực hiện liên kết với doanh nghiệp, còn được doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp lúa giống và các loại vật tư từ đầu đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Thông qua mô hình CÐL, ngành chức năng cũng dễ dàng triển khai tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới và hỗ trợ đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như trạm bơm điện, nhà kho chứa lúa, lò sấy lúa... để nâng cao hiệu quả sản xuất. Lợi nhuận của nông dân trong CÐL có thể cao hơn so với nông dân ngoài mô hình từ 2-5 triệu đồng/ha/vụ.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong các vụ lúa của năm 2021, thành phố duy trì diện tích CÐL hằng vụ trên 32.000ha, với trên 23.500 hộ nông dân tham gia. Có hơn 15 đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu lúa đầu ra cho nông dân tại các mô hình CÐL, với giá từ bằng đến cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg. Cụ thể, như Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hiếu Nhân, DNTN Trung Thạnh, DNTN Thắng Lợi 2, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty TNHH Nông sản Vinacam Cờ Ðỏ... Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Ðỏ ở huyện Cờ Ðỏ còn hợp đồng bao tiêu diện tích 5.291ha và Công ty Nông trường Sông Hậu hợp đồng bao tiêu 1.702ha.

Nhân rộng mô hình

Mô hình CÐL đã khẳng định hiệu quả nhưng việc nhân rộng, phát triển mô hình còn chậm do gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do sản xuất lúa tại nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ và nông dân chưa gắn kết chặt với nhau và thiếu sự chủ động trong tìm kiếm các đối tác và doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ đầu ra. Các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại nhiều nơi cũng chưa đảm bảo tốt và còn có ít doanh nghiệp đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thời gian qua, việc thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp tại nhiều nơi chưa chặt chẽ, phát sinh tình trạng “bẻ kèo”. Ðặc biệt, khi hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn là hợp đồng có tính định hướng, không phải là hợp đồng kinh tế với tính pháp lý cao nên các bên dễ vi phạm hợp đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp có tâm huyết đã tham gia thực hiện thành công mô hình CÐL, nhưng muốn nhân rộng  thêm lại gặp khó vì thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực và vật lực. Do lúa được gieo sạ tập trung đồng loạt, thu hoạch cũng tập trung trong một thời gian ngắn, nông dân bán lúa tươi nên doanh nghiệp cần phải có nguồn nhân lực và tài chính rất lớn mới có thể thu mua lúa và thanh toán tiền kịp thời cho nông dân.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Doanh nghiệp muốn liên kết với nông dân để xây dựng, phát triển mô hình CÐL cần có vốn để xây nhà máy sấy lúa, sấy lúa rồi phải có nơi chứa, đặc biệt doanh nghiệp khi bao tiêu toàn bộ lúa cho nông dân phải thanh toán tiền cho nông dân ngay sau thu hoạch, cần số vốn rất lớn. Chính phủ và các cấp thẩm quyền Trung ương, địa phương cần quan tâm và có giải pháp gỡ khó về vốn để doanh nghiệp kịp thời vay được vốn khi làm dự án CÐL”.

Theo ông Bình, mô hình CÐL đã mang lại các hiệu quả rất tốt nhưng chậm nhân rộng và phát triển bởi còn vướng “nút thắt” về nguồn vốn, trong khi nguồn lực của các doanh nghiệp hạn chế. Muốn phát triển CÐL nguồn vốn là quan trọng quyết định đầu tiên bởi mô hình đã có rồi, sự liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp cũng đã được Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương khuyến khích, nông dân muốn tham gia, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nguyên liệu trong CÐL để ổn định kinh doanh. Hơn 10 năm qua, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã liên kết với nông dân làm CÐL và hiện đã thực hiện mô hình tại nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL như Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… với tổng diện tích hơn 7.000ha. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu trong CÐL của Công ty mới đáp ứng 50% tổng lượng gạo xuất khẩu hằng năm.

Ðể thúc đẩy phát triển CÐL và các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, chuyên gia và doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành chức năng tiếp tục quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện tốt việc quy hoạch sản xuất, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng, thủy lợi đồng bộ. Ðồng thời, kết nối, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất của người dân và năng lực hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, thuận lợi để các dơn vị, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Kịp thời nâng cao tính pháp lý và có giải pháp đảm bảo thực thi nghiêm các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên liên quan. Phát huy vai trò của từng tác nhân trong chuỗi liên kết, tạo sự tin tưởng nhau để cùng đi chung “con thuyền”, trong đó chú ý gắn kết cả lực lượng thương lái vào chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết