04/02/2025 - 09:47

Ứng dụng khoa học công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero 

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo khoa học Triển khai chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Việt Nam cho vùng ÐBSCL. Chương trình là nền tảng quan trọng thúc đẩy các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Ðây còn là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng trên trường quốc tế.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng lúa thí điểm thuộc đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh triển khai tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Ông Huỳnh Thành Ðạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN, nhấn mạnh: Bám sát chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia phục vụ mục tiêu Net Zero. Ðây là hành động cụ thể và kịp thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26. Hội thảo hôm nay nhằm lan tỏa thông tin về chương trình tới cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học trong vùng ÐBSCL. Ðây là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, tìm kiếm giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu Net Zero tại khu vực này - vùng đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhưng đang chịu tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các bài tham luận, cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến một số định hướng triển khai KH&CN phục vụ mục tiêu Net Zero tại các tỉnh vùng ÐBSCL; chính sách và quy định pháp luật về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hướng tới phát thải ròng về 0; các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero… Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính bước ngoặt với định hướng phát triển xanh, nền kinh tế xanh trong khu vực. Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Cần Thơ xếp thứ 17/63 tỉnh, thành, tăng 13 bậc so với năm 2022. Mới đây, trong khuôn khổ chương trình Thành phố xanh quốc tế (OPCC) 2023-2024, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố và trao danh hiệu "Thành phố Xanh quốc gia" năm 2024 cho TP Cần Thơ. Ngoài ra, Cần Thơ cũng tích cực phối hợp với các địa phương vùng ÐBSCL triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ðồng thời, tham gia các chương trình hợp tác, các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động trao đổi, triển khai thực hiện các chương trình, các dự án do tổ chức quốc tế hỗ trợ…

Có thể thấy, các tỉnh, thành trong vùng đã và đang không ngừng nỗ lực hiện thực mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, hành trình tiến tới Net Zero sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. Và việc phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng người dân là yếu tố then chốt cần được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Ðánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ KH&CN, cho biết: Chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 bao gồm các nội dung chính: hoàn thiện chính sách pháp luật về Net Zero; xây dựng mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Net Zero; công nghệ giảm phát thải trong các lĩnh vực (giao thông vận tải, nông nghiệp,...); các giải pháp kiểm kê và chứng nhận khí nhà kính, cảnh báo nguy cơ phát thải khí nhà kính... Mục tiêu đến năm 2030, chương trình tạo ra các giải pháp đột phá về các công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, kỹ thuật; nâng cao nguồn năng lực phục vụ mục tiêu giảm phát thải. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, phạm vi ảnh hưởng của Net Zero rộng khắp các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp rút ngắn con đường đến Net Zero. Ðặc biệt, các ngành Nông nghiệp và công nghiệp, vốn là nguồn phát thải khí nhà kính lớn, cần phát triển theo hướng xanh, tiếp cận các công nghệ tiên tiến để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Vai trò của các nhà khoa học rất quan trọng trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng năng lượng xanh, phân bón hữu cơ và công nghệ lưu trữ năng lượng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ KH&CN cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào một số ngành, lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng và các quá trình công nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải. Ðồng thời, việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp là rất cần thiết để phục vụ sản xuất theo hướng xanh, bền vững và giảm phát thải.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch hội đồng trường Trường Ðại học Cần Thơ, các ngành sản xuất của ÐBSCL có phát thải cao là nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến nông sản… Vì vậy, tập trung nghiên cứu giảm phát thải đối với các ngành này sẽ đóng góp quan trọng cho chiến lược Net Zero năm 2050. Ở một góc độ khác, ÐBSCL với diện tích lúa lớn, rừng ngập mặn, hệ sinh thái thực vật các vùng bảo tồn có vai trò hấp thu/lưu trữ carbon có ý nghĩa trong trao đổi tín chỉ carbon góp phần cân bằng phát thải. Vùng cũng có lợi thế về năng lượng xanh (gió, mặt trời…) có thể khai thác, ứng dụng vào sản xuất. Vấn đề đặt ra là ÐBSCL cần phát triển khung chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất sạch hơn, đánh giá phát thải, trao đổi tín chỉ carbon; cùng với đó ứng dụng công nghệ thông minh và phát triển phương pháp, phương tiện tính toán phát thải… Có như vậy, ÐBSCL mới có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng tốt các lợi thế để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết