Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu dẫn đến thay đổi mô hình thương mại và đầu tư, nhưng năm 2024, Việt Nam đã giữ vững tăng trưởng và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chính phủ đã thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách môi trường đầu tư kinh doanh để củng cố niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp (DN).
DN cần các động lực mới để đổi mới, sáng tạo. Trong ảnh: Công ty CP May Meko đầu tư máy cắt, may tự động.
Củng cố niềm tin kinh doanh cho DN
Năm 2024, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09% (vượt mục tiêu 6-6,5% của Quốc hội đề ra). Ðây là mức tăng trưởng rất tích cực trước những diễn biến khó lường của kinh tế toàn cầu và tình hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước còn nhiều khó khăn. Hoạt động của DN vẫn có những điểm sáng, cả năm 2024, cả nước có hơn 233.400 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm 2023 và gấp 1,2 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Các tổ chức quốc tế cũng nhận định, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã làm tăng năng suất của các DN Việt Nam trong một số lĩnh vực, tạo việc làm cho những lao động có tay nghề cao.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm qua, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tích cực, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 và Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng. Các chính sách kinh tế vĩ mô cũng ưu tiên tăng cường kết nối khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước, ưu tiên hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Ước đến cuối năm 2024, cả nước có 947.000 DN.
Nhiều ý kiến nhận định, việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh đã tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư, DN. Năm 2024, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế hơn 2,02 triệu tỉ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023 (trong đó, hơn 157.200 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 1,54 triệu tỉ đồng; còn lại là vốn tăng thêm). Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2024 đạt 38,23 tỉ USD (vốn cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp mua cổ phần); vốn thực hiện ước đạt 25,35 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm 2023. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 81,4% tổng vốn FDI thực hiện (đạt 20,62 tỉ USD), còn lại là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện...
Với những nỗ lực trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, năm 2024 các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu cơ bản hoàn thành, đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin kinh doanh của DN được củng cố và sự đồng tình của DN cũng ở mức cao.
Tạo đà bứt phá
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025. Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, quang điện tử, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, năng lượng sạch...). Xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DN, phát triển mạnh DN tư nhân.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, “đột phá của đột phá”, “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh” để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động…
Năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đã nâng hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Cụ thể là: Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng “ổn định”; Moody’s xếp hạng ở mức Ba2, triển vọng “ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “ổn định”. Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử xếp thứ 71, tăng 15 bậc so với xếp hạng trước đó (năm 2022); vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Chỉ số Tự do kinh tế cải thiện 13 bậc so với năm 2023 và lên thứ hạng 59; Ðổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, lên vị trí 44…
Sang năm 2025, các dự báo cho rằng thuận lợi và khó khăn tiếp tục đan xen. Trong bối cảnh này, cải cách môi trường kinh doanh vẫn là yêu cầu cấp thiết để củng cố niềm tin, tạo thêm động lực cho DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 8-1-2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Nghị quyết cũng đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, nhấn mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ rào cản cho DN, nhà đầu tư; nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra giám sát… Từ đó, thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tạo điểm tựa cho DN phục hồi và phát triển, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng toàn cầu.