Những năm qua, nghề trồng mai vàng mang lại giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân (ND) lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Tại ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, nghề trồng mai được nhiều ND gầy dựng và phát triển mạnh. Mỗi năm vào dịp Tết, hàng trăm gốc mai vàng nơi đây được bán ra thị trường, mang đến thu nhập khấm khá cho nhiều nông hộ.
Lãnh đạo Hội ND xã Thạnh Lộc thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thành viên CLB Mai vàng ấp Tân Thạnh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về xứ mai vàng ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc vào những ngày giáp Tết, chúng tôi chứng kiến không khí lao động tất bật và nhộn nhịp. Các nhà vườn tập trung rửa cây, chuẩn bị tỉa lá, chăm sóc để mai nở kịp đúng dịp Tết. Ông Ðặng Văn Cọp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Mai vàng ấp Tân Thạnh, phấn khởi cho biết: Cây mai vàng là thú chơi của người dân Nam Bộ. Tại ấp Tân Thạnh, từ một vài hộ trồng mai nhỏ lẻ, đến nay đã có cả trăm hộ trồng mai, tay nghề ngày càng nâng cao. Nhằm hỗ trợ ND sản xuất, kinh doanh, Hội ND xã đã vận động, thành lập CLB Mai vàng để đồng hành cùng bà con. Riêng gia đình tôi bắt đầu trồng mai vàng vào năm 2015. Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, tôi đang trồng khoảng 200 gốc mai giảo Thủ Ðức”. Theo ông Cọp để có được cây mai đẹp, trổ đúng dịp Tết và bán được giá cao, nhà vườn phải mất nhiều công chăm sóc, tạo dáng, tạo bộ đế đẹp. Bên cạnh đó, bà con cũng quan sát thời tiết, xem sự phát triển của cây mai để chọn ngày lặt lá cho phù hợp, giúp mai trổ đúng ngày.
Với “gia tài” khoảng 1.000 gốc mai, thời điểm này, anh Lê Hoàng Huy, thành viên CLB Mai vàng ấp Tân Thạnh tất bật chăm sóc, sẵn sàng cho mai nở kịp dịp Tết. Anh Huy cho biết, vườn mai chính là niềm đam mê và cũng là nguồn kinh tế chính của gia đình. Nhiều năm về trước, anh Huy chỉ làm ruộng. Trên 10ha đất ruộng, anh Huy dành riêng hơn 6.000m2 để lên vườn trồng mai vàng. Toàn bộ vườn mai đều là cây được ươm giống từ hạt. Anh Huy chia sẻ: “Thời điểm này, thương lái đã đến vườn tôi mua 40-50 gốc mai với giá trên 300 triệu đồng. Ngoài dịp Tết, tôi bán mai lai rai quanh năm. Trung bình mỗi năm, tôi bán từ 6-7 đợt, mỗi đợt thu về khoảng 30 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ổn định”.
Anh Võ Văn Toàn, thành viên CLB Mai vàng ấp Tân Thạnh, kể: “Ở đây gần như nhà nào cũng trồng mai. Vào năm 2018 là thời điểm thịnh hành mai vàng, người dân có thu nhập khá cao. Thời điểm đó, dân chơi mai không đòi hỏi cao về kiểu dáng. Gia đình tôi chủ yếu mua cây mai con về trồng, chăm sóc tầm 8-9 tháng đã bán cho thương lái với số lượng lớn. 3 năm gần đây, thị hiếu của người chơi mai có thay đổi, người dân địa phương cũng từng bước cải thiện chất lượng, giá trị cây mai”. Theo anh Toàn, hiện nay, đặc trưng của mai vàng ấp Tân Thạnh chính là giống mai giảo Thủ Ðức, được ươm trồng từ hạt, sắp đế đẹp mắt, thế trực quân tử. Hiện nay, tuy thị trường mai Tết có phần bão hòa, trầm lắng nhưng anh Toàn vẫn đánh giá cao giá trị cây mai vàng. Nhờ đam mê bám trụ nghề trồng mai vàng, mỗi năm, anh Toàn có thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Riêng dịp Tết năm nay, anh Toàn vừa bán cho thương lái 100 gốc mai lớn, nhỏ.
Anh Nguyễn Quang Vĩnh, Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Lộc, cho biết: “CLB Mai vàng được Hội ND xã thành lập vào năm 2021, với tổng số 21 thành viên trồng mai vàng trên diện tích 2,5ha. Những năm gần đây, diện tích trồng mai vàng tăng cao. Không chỉ tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, bà con ND còn mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích lúa để trồng cây mai vàng. Hiện nay, các thành viên CLB đang trồng trên 10.000 gốc mai với diện tích khoảng 10ha; trong đó, có 80% cây mai được trồng tự nhiên, đa phần cây có tuổi đời 5 năm”. Nhiều năm qua, nghề trồng mai đã giúp ND có nguồn thu nhập ổn định, đời sống vươn lên khấm khá. Vừa qua, địa phương đã đầu tư xây dựng cầu Cua Bắc Trăng giúp bà con giao thương thuận lợi; đồng thời, HND xã thường xuyên quan tâm quảng bá thương hiệu CLB Mai vàng, hỗ trợ ND mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững nghề trồng mai vàng.
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC