MAI QUYÊN (Tổng hợp)
Bất chấp khác biệt chính trị, đôi khi làm căng thẳng mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, chiến tranh bùng nổ ở Dải Gaza đã tái khẳng định Tel Aviv luôn là đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Ðông.

Tổng thống Biden (trái) và Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: Times of Israel
Những ngày đầu khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự đáp trả cuộc tấn công của nhóm vũ trang người Palestine Hamas, các quan chức Mỹ liên tục thể hiện sự ủng hộ vững chắc đối với Tel Aviv về ngoại giao, tài chính và quân sự. Tổng thống Biden, người từng chỉ trích chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Netanyahu, cũng tỏ ra dứt khoát khi nhấn mạnh Washington luôn sát cánh cùng Nhà nước Do Thái. Trong chuyến thăm Tel Aviv giữa tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố miễn nước Mỹ còn tồn tại, Israel sẽ không đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ quốc gia.
Lịch sử quan hệ Mỹ - Israel
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ ủng hộ lập nhà nước Do Thái và Tổng thống Harry Truman trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận Israel. Mối quan hệ song phương không có gì đặc biệt và chỉ phát triển sau cuộc chiến tranh năm 1967, khi đó Israel đánh bại liên minh các quốc gia Arab dù không nhận được viện trợ lớn nào bên ngoài. Thời điểm này, Washington đang lo ngại ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực cũng như nguy cơ xung đột lan rộng thành cuộc chiến ủy nhiệm. Việc Tel Aviv giành thắng lợi với ít thương vong, sau đó chiếm đóng các vùng lãnh thổ mới ở Gaza cùng Bờ Tây khiến họ trở thành đồng minh hấp dẫn của Washington.
Hỗ trợ Nhà nước Do Thái phát triển, Washington từ đầu cho phép Israel vay các ngân hàng Mỹ với lãi suất thấp hơn thị trường. Hiện Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Israel với giao dịch hàng hóa và dịch vụ song phương hàng năm đạt gần 50 tỉ USD. Về quốc phòng, Washington khẳng định không đưa quân tới Israel nhưng vẫn tham gia sâu vào quá trình hỗ trợ an ninh. Duy trì quyền bá chủ quân sự khu vực của Israel được cho là yếu tố cốt lõi trong chính sách Trung Ðông của Mỹ. Lúc đầu, Mỹ chủ yếu tặng hoặc bán khí tài cho Israel. Giai đoạn 1980-1990, hai bên bắt đầu hợp tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí. Năm 1999, Nhà Trắng ký bản ghi nhớ đầu tiên trong số 3 bản ghi nhớ có thời hạn 10 năm cam kết cung cấp hàng tỉ USD viện trợ quân sự mỗi năm cho Israel. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, khoản ngân sách đó đã giúp Israel đạt những tiến bộ lớn trong công nghệ tình báo và giám sát tín hiệu. Dựa vào bản ghi nhớ ký năm 2019, Israel hiện nhận viện trợ 3,8 tỉ USD/năm từ Mỹ.
Tuy viện trợ của Mỹ vẫn chiếm một phần đáng kể trong ngân sách quốc phòng của Israel, nhưng vai trò theo thời gian trở nên ít quan trọng khi người Do Thái xây dựng được năng lực quốc phòng riêng. Hiện có rất ít vũ khí Tel Aviv không thể sản xuất nếu Washington không trợ giúp, thậm chí năng lực của Mỹ ở một mức độ nào đó còn phụ thuộc vào Israel. Dù vậy, Nhà Trắng vẫn tiếp tục cấp viện trợ như bằng chứng về sự ủng hộ kiên quyết đối với Israel, đảm bảo Tel Aviv duy trì lợi thế quân sự so với bất kỳ lực lượng nào khác trong khu vực. Tính từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến nay, Washington viện trợ cho Israel nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác với tổng ngân sách lên tới 158 tỉ USD.
Hỗ trợ Israel là lợi ích quốc gia
Ðối với giới tinh hoa ở Washington, quan hệ Mỹ - Israel có giá trị chiến lược giúp ổn định Trung Ðông, ngăn nguy cơ bất ổn đe dọa khả năng tiếp cận nguồn cung dầu mỏ mà Mỹ đang phụ thuộc. Ðặc biệt sau vụ khủng bố 11-9, khi một số thủ phạm được xác định là công dân Saudi Arabia (đồng minh quan trọng khác của Washington tại Trung Ðông), Mỹ càng nghiêng về phía Israel dựa trên suy nghĩ rằng Tel Aviv mang nhiều giá trị và lợi ích chung hơn. Những năm trước đây, Israel đóng vai trò trụ cột trong mục tiêu của Mỹ nhằm tạo ra một "Trung Ðông hội nhập, thịnh vượng và an toàn" giữa lúc Israel thể hiện ý định chuyển trọng tâm sang các khu vực khác trên thế giới, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Vì thế, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã giúp thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số quốc gia Hồi giáo trong khu vực như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Maroc. Chính quyền Tổng thống Biden hiện nay đang tiếp tục các nỗ lực dàn xếp cho một thỏa thuận bình thường hóa quan trọng nhất giữa Israel và Saudi Arabia, cường quốc lớn nhất của khối Arab.
Nếu như trước đây, sự ủng hộ dành cho Israel cực kỳ phổ biến về mặt chính trị ở Mỹ thì xu hướng này trong vài năm trở lại đã suy yếu rõ rệt. Theo một số người, lợi ích từ quan hệ của Mỹ với Israel không biện minh cho cái giá phải trả về mặt đạo đức. Dù vậy, những nhà hoạch định chính sách ở Washington dường như chấp nhận điều đó như "cái giá phải trả" để duy trì "mối quan hệ đặc biệt", vốn không chỉ về quân sự, chính trị mà còn mang tính chất cá nhân. Một mặt, nó giúp ngăn cản các tác nhân tiềm năng trong khu vực leo thang xung đột, như Iran và nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah tại Lebanon.
Tại Trung Đông, Ai Cập là nước Arab đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel, dù Cairo từng là đối thủ hàng đầu của Tel Aviv từ năm 1948. Vào năm 1978, dưới sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Israel ký Hiệp định Trại David và công nhận nhà nước Israel. Động thái này đã phá vỡ mặt trận Arab thống nhất chống Israel, đồng thời khiến Tổng thống Ai Cập thời điểm đó là ông Anwar Sadat bị các phần tử Hồi giáo cực đoan sát hại. Ai Cập là nước nhận viện trợ quân sự và kinh tế lớn thứ hai của Mỹ, chỉ sau sau Israel.