Được kỳ vọng là động lực phát triển công nghiệp mới cho Cần Thơ, dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, giai đoạn 1 (còn gọi là Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ) đang đề xuất giải pháp sử dụng cát biển để làm vật liệu san lấp thay thế trước thực trạng cát sông khan hiếm và đắt đỏ. Đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết vấn đề khó khăn này, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời có hướng hỗ trợ phù hợp. Về phía các bộ, ngành cũng lưu ý cần triển khai chặt chẽ, thí điểm khoa học, tháo gỡ đồng bộ các nút thắt về tiêu chuẩn, kỹ thuật và môi trường để giải quyết bài toán khan hiếm vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm, trong đó có các khu công nghiệp.

Công ty CP VSIP Cần Thơ giới thiệu sa bàn tổng thể Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ tại xã Vĩnh Trinh, TP Cần Thơ.
Nhu cầu cấp bách và hướng tháo gỡ đồng bộ
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trước tình trạng khan hiếm nghiêm trọng vật liệu san lấp đang ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và có hành động quyết liệt khi chính thức có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương sử dụng cát biển để làm vật liệu san lấp cho dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.
Tại văn bản số 1376/UBND-XDĐT, UBND TP Cần Thơ thống kê nhu cầu cát san lấp cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố khoảng 70 triệu mét khối. Thành phố cũng phân tích trong bối cảnh Chính phủ cùng các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp điều phối và cung ứng nhu cầu về vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm, như điều phối cát từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... và thí điểm việc sử dụng cát biển cho công trình giao thông trọng điểm, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc điều phối và cung ứng cát từ các địa phương chưa đáp ứng đủ yêu cầu và việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các công trình khác (như khu công nghiệp, khu đô thị,...) hay sử dụng cho các khu vực vùng nước ngọt như TP Cần Thơ chưa được nghiên cứu thí điểm để có thể mở rộng áp dụng trên nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Trong văn bản kiến nghị, UBND thành phố đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành Trung ương như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng cùng vào cuộc để hướng dẫn về kỹ thuật, tiêu chuẩn và đánh giá tác động môi trường.
Ngày 2-4-2025, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2747/VPCP-CN về ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, hướng dẫn UBND Cần Thơ thực hiện theo thẩm quyền và quy định đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ theo kiến nghị của UBND TP Cần Thơ tại văn bản số 1376/UBND-XDĐT ngày 27-3-2025.
Ngày 16-4-2025, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 2114/BXD-KHCNMT&VLXD, về việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án gửi UBND TP Cần Thơ. Theo đó, Bộ Xây dựng đã dẫn chứng cát biển (cát nhiễm mặn) được sử dụng làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cát biển đã được sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án tại một số địa phương như: Khu công nghiệp Đình Vũ, khu đô thị Đồi Rồng, khu đô thị Cát Bà (TP Hải Phòng), khu đô thị Hạ Long Xanh, Khu công nghiệp Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), khu đô thị biển Phú Cường, tỉnh Kiên Giang (cũ) nay là tỉnh An Giang…

Một góc Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ nhìn từ trên cao.
Đối với việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp mặt bằng khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đưa ra cảnh báo: "Trường hợp cát biển sử dụng tại khu vực không bị nhiễm mặn: Do cát biển có chứa lượng muối biển đáng kể với thành phần chính là muối clorua, sunphat nên có thể xảy ra vấn đề rửa trôi một lượng clorua, sunphat ra môi trường xung quanh (đất, nước ngầm, nước mặt). Ảnh hưởng của muối clorua, sunphat đối với môi trường xung quanh bao gồm: (1) nguy cơ gây ăn mòn đối với kết cấu thép, kể cả với cốt thép trong bê tông; (2) nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đất khu vực xung quanh, gây nhiễm mặn nguồn nước ngầm, tác động đến vật nuôi, cây trồng. Vì vậy, đối với việc thí điểm sử dụng cát biển, ngoài việc đánh giá khả năng chịu tải, tính ổn định của kết cấu thì còn phải quan trắc các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường xung quanh…". Vì vậy, việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp phải tuân thủ hướng dẫn về bảo vệ môi trường của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Theo Công văn số 1368/BKHCN-TĐC ngày 6-5-2025 gửi UBND TP Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện có 3 tiêu chuẩn liên quan đến cát nhiễm mặn: TCVN 13754:2023, TCVN 12588-1:2018 và TCVN 12588-2:2018. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho việc sử dụng cát nhiễm mặn để chế tạo bê tông và vữa xây dựng, không dùng cho mục đích san lấp.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp là một giải pháp thay thế nguồn cát tự nhiên đang ngày càng khan hiếm, góp phần giảm áp lực khai thác cát lòng sông, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hiệu quả và tính bền vững của công trình, cần có tiêu chuẩn quốc gia làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá, kiểm soát chất lượng và hướng dẫn sử dụng cát nhiễm mặn dùng làm vật liệu san lấp các công trình khu công nghiệp. Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về cát nhiễm mặn dùng làm vật liệu san lấp và các mục đích khác cần có nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá chính xác để đảm bảo tính an toàn và thực thi.
Ngày 12-5-2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có Công văn số 1930/BNNMT-ĐCKS đề nghị UBND Cần Thơ khi cho phép sử dụng cát biển để san lấp "Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1)" cần hướng dẫn chủ dự án tự đánh giá tác động đến môi trường, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động này theo quy định tại điểm c khoản 4 điều 37 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng hướng dẫn chi tiết: "Thực hiện việc san lấp thông qua giải pháp kỹ thuật sử dụng các vật liệu chống thấm (màng chống thấm HDPE được gia cố lớp lót vải địa kỹ thuật, các chất phụ gia, vật liệu chống thấm kết hợp với xây kè, tường chắn cách nước,...) để ngăn cách cát biển với môi trường xung quanh. Hạn chế, giảm thiểu tối đa các tác động gây gia tăng độ mặn diện rộng sang các khu vực lân cận làm ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân. Không để nước mưa từ khu vực san lấp bằng cát biển trong quá trình thi công chảy tràn sang các khu vực lân cận, thiết kế mặt cắt san lấp phù hợp để khu trú cát biển trong phạm vi sử dụng vật liệu. Đặc biệt lưu ý không thực hiện việc đóng cọc, thi công xuyên qua lớp vật liệu chống thấm tránh làm nước nhiễm mặn có khả năng gây tác động đến các tầng chứa nước dưới đất…".
Sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ nhà đầu tư
Đề xuất thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ không chỉ cho thấy tầm nhìn và sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong việc tháo gỡ "điểm nghẽn" về vật liệu san lấp, mà còn thể hiện mong muốn triển khai giải pháp một cách khoa học, bền vững, đảm bảo hiệu quả và an toàn cho các công trình chiến lược. Từ đó, các công trình sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Có thể thấy, quan điểm của Bộ Xây dựng mang tính cảnh báo kỹ thuật và đưa ra những lưu ý hết sức thận trọng dựa trên chuyên môn về vật liệu xây dựng và an toàn công trình. Theo đó, điều kiện tiên quyết là phải kiểm soát được các rủi ro về ăn mòn hóa học ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền và tuổi thọ của các công trình xây dựng cũng như khả năng gây nhiễm mặn môi trường xung quanh... Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu việc thí điểm phải đi kèm với giải pháp kỹ thuật và chương trình quan trắc chặt chẽ để ngăn chặn các tác động tiêu cực này.

Thi công hạ tầng giao thông trong Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.
Quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tình rằng việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp là một giải pháp quan trọng để thay thế nguồn cát tự nhiên đang khan hiếm. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh rằng cần phải có tiêu chuẩn quốc gia cụ thể cho mục đích này để làm cơ sở khoa học cho việc đánh giá, kiểm soát chất lượng và hướng dẫn sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững cho công trình. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định sẵn sàng phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành trong việc nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và thẩm định, công bố dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về cát nhiễm mặn dùng làm vật liệu san lấp các công trình khu công nghiệp...
Còn Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND TP Cần Thơ hướng dẫn chủ dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ phải tự tổ chức đánh giá tác động đến môi trường theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng lưu ý trách nhiệm toàn diện cho chủ đầu tư trong việc giám sát chặt chẽ trong mọi công đoạn để đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai san lấp bằng cát biển, hướng tới kiểm soát hoàn toàn các tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, để giải quyết vấn đề vật liệu san lấp cho dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ, các bộ ngành đã tích cực hướng dẫn UBND TP Cần Thơ để có cơ sở hỗ trợ nhà đầu tư tốt nhất. Quan điểm thống nhất là tiếp cận đồng bộ, chủ động và có lộ trình rõ ràng để giải quyết từng nút thắt. Từ các văn bản hướng dẫn của 3 bộ chuyên ngành, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố đã và đang phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thảo luận các định hướng, giải pháp phù hợp để kịp thời hướng dẫn nhà đầu tư triển khai thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ. Quan điểm của thành phố là quyết liệt hỗ trợ cho nhà đầu tư tìm vật liệu san lấp phù hợp, đúng quy định.
Ông Ngô Thái Chân nhấn mạnh, về phía nhà đầu tư cần chủ động đáp ứng các yêu cầu về tự tổ chức đánh giá tác động đến môi trường theo quy định, đảm bảo về kỹ thuật thi công và môi trường theo hướng dẫn của 3 bộ. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ sẽ phối hợp tham mưu hướng dẫn nhà đầu tư triển khai thí điểm trên một khu vực có kiểm soát trong phạm vi dự án. Đồng thời, tổ chức thu thập dữ liệu, đánh giá và báo cáo kết quả định kỳ cho UBND thành phố cùng các bộ ngành điều chỉnh cho phù hợp. Cách tiếp cận này không chỉ giúp tháo gỡ cho riêng dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ mà còn đóng góp vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý và kỹ thuật cho việc sử dụng cát biển trên cả nước, giải quyết bài toán thiếu hụt vật liệu san lấp hiện nay.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN