11/01/2013 - 09:29

Lấy nhu chế cương

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng loạt lên tiếng cảnh báo, đồng thời động viên Thủ tướng Anh David Cameron nên suy tính kỹ trước ngày công bố quyết định Luân Đôn có tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2018 về việc nước này muốn ở lại hoặc rời khỏi "mái nhà chung" của cựu lục địa hay không.

Trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Anh ngày 9-1, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu-Á Philip H. Gordon cảnh báo rằng "trưng cầu dân ý thường khiến các nước hướng nội, trong khi Mỹ hoan nghênh một EU hướng ngoại bên cạnh nước Anh".

"Chúng tôi có lợi ích khi EU thống nhất, có cùng tiếng nói và quan tâm chia sẻ lợi ích tại châu Âu và trên thế giới. Điều tốt nhất cho mọi người là các nhà lãnh đạo châu Âu nên dành thời gian thảo luận biện pháp giải quyết những thách thức chung như việc làm, tăng trưởng kinh tế và hòa bình thế giới, chứ không nên mất thời giờ tranh cãi chuyện nội bộ. Chúng tôi muốn thấy tiếng nói của nước Anh mạnh mẽ trong lòng EU. Đó là lợi ích của nước Mỹ"- ông Gordon nhấn mạnh.

Ông Gordon giải thích thêm: "Anh từng là đối tác đặc biệt cùng chia sẻ các giá trị, lợi ích và nguồn lực với Mỹ. Hơn nhiều quốc gia khác, tiếng nói của nước Anh trong EU có vai trò quan trọng và thiết yếu cho lợi ích của Mỹ". Tờ Le Figaro (Pháp) nhận định Mỹ luôn xem Vương quốc Anh như một cầu tàu trọng yếu đi tới EU, nhưng nước này đang lo ngại Anh quốc hiện nay xa rời lục địa trong cuộc khủng hoảng không có hồi kết. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ thái độ quan tâm đến những nguy cơ thật sự nếu quốc gia đồng minh của Mỹ đặt cược số phận của mình trong EU.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới cùng ngày, Thủ tướng Ireland Enda Kenny mô tả viễn cảnh nước Anh từ bỏ EU bằng cuộc trưng cầu dân ý như là "một thảm họa". Nhà lãnh đạo quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng đầu năm 2013 này khẳng định: "Anh là một phần sống còn của EU". Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cựu Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy cũng khen ngợi: "Nước Anh có một giá trị vĩ đại và là một thành viên rất quan trọng của EU". Đồng thời, ông Rompuy nói rằng phần còn lại của EU là thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp Anh và Luân Đôn có nhiều lợi ích khi tiếp tục ở lại như là một thành viên "tích cực, đầy đủ và dẫn dắt" của khối.

Thật ra, từ nhiều tháng qua, các nhà lãnh cấp cao EU, trong đó có ông Rompuy, đã liên tục phê phán, chỉ trích Thủ tướng Cameron sử dụng chiêu bài trưng cầu dân ý để gây sức ép và buộc EU phải thay đổi các hiệp ước mà giới bảo thủ Anh cho là làm giảm vị thế của Luân Đôn trước các nước lớn khác trong khu vực. Đây cũng có thể là cách mà ông Cameron lôi kéo sự ủng hộ của phe bảo thủ và đa số cử tri Anh trước cuộc tuyển cử vào năm 2015. Dự kiến, vào ngày 22-1 tới, ông Cameron sẽ có bài phát biểu nêu rõ chi tiết về mối quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai.

Cho nên, khi thời điểm ấy đang cận kề, các nhà lãnh đạo EU phải "lấy nhu chế cương", nỗ lực xoa dịu, khuyến khích, nâng cao vị thế của nước Anh trong EU. Tiếng nói "cảnh tỉnh" của chính quyền Washington cũng có ý nghĩa tác động tích cực đến Luân Đôn.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết