Những ngày qua, Nhật Bản liên tục gia tăng sức ép lên Hàn Quốc trong cuộc chiến ngoại giao, lên án hành động “chiếm đóng phi pháp” của Hàn Quốc trên hòn đảo nằm giữa hai nước và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai nước cũng như ngừng hỗ trợ tài chính cho Hàn Quốc.
Hôm 24-8, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình quốc gia, tuyên bố sẽ tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản trên các hòn đảo đang tranh chấp Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc và Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Ông nói Nhật Bản đòi chủ quyền với thái độ hết sức bình tĩnh, đồng thời kêu gọi các nước khác có tranh chấp cũng nên làm tương tự.
“Để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta (Nhật Bản), tôi sẽ nói những gì cần phải nói và sẽ làm những gì cần phải làm”-Thủ tướng Noda nhấn mạnh. “Nhưng không vì bất cứ lợi ích nào của đất nước mà làm sục sôi dư luận trong nước và làm căng thẳng tình hình một cách không cần thiết”- ông nói thêm, ám chỉ các cuộc biểu tình chống Nhật một cách quá khích ở Trung Quốc cuối tuần trước và những tuyên bố cứng rắn mới đây của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.
Có thể nói, chưa bao giờ quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc lại nóng và căng thẳng như hiện nay. Giới phân tích cho rằng cuộc chiến ngoại giao leo thang ở Đông Bắc Á phản ánh những vấn đề chính trị nội tại ở cả 3 quốc gia này. Các nhà lãnh đạo chính trị ở những nước này không thể để thiên hạ thấy sự yếu kém của họ vào thời điểm mà cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều sẽ sớm tổ chức cuộc tổng tuyển cử, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực chính trị quan trọng mà “một thập niên mới có một lần”.
Lần đầu tiên người ta thấy Nhật Bản dùng kinh tế để gây sức ép với Hàn Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh hải vốn đã tồn tại hàng thập niên qua giữa hai nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 24-8, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi cho biết chính phủ của ông đang cân nhắc xem liệu có nên gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Hàn Quốc, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới, hay không. Theo ông Azumi, quyết định này tùy thuộc vào việc Hàn Quốc “sẽ ăn nói ra sao” trước cơn giận dữ của Nhật Bản xung quanh phát biểu của Tổng thống Lee Myung-bak trước đó vài ngày, đòi Nhật Hoàng xin lỗi vì sự cai trị thực dân của Nhật Bản trong quá khứ đối với bán đảo Triều Tiên.
Tokyo coi đòi hỏi đó của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak là “bất kính” và đề nghị ông Lee rút lại những lời nói này. Phản ứng ấy của Nhật Bản cũng được nêu rõ trong các nghị quyết vừa được Hạ viện nước này thông qua nhằm tái khẳng định lập trường của Nhật Bản trong các vấn đề liên quan đến các đảo tranh chấp với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nghị quyết khẳng định Takeshima và Senkaku là những lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản về mặt lịch sử cũng như theo luật pháp quốc tế. Nghị quyết kêu gọi Chính phủ Nhật Bản “có quan điểm kiên quyết” bảo vệ lãnh thổ với “quyết tâm không lay chuyển”, đồng thời “soạn thảo và thực thi các biện pháp hiệu quả” cho mục tiêu đó, kể cả khả năng đưa vấn đề tranh chấp ra tòa án quốc tế. Nghị quyết cũng bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ song phương với Hàn Quốc lẫn Trung Quốc, nói rằng Nhật Bản coi hai nước này là láng giềng và đối tác quan trọng chia sẻ các lợi ích chung, nên giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng như giữa Nhật Bản với Trung Quốc cần tăng cường các mối quan hệ vì hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương...
Xem ra, Nhật Bản đang muốn vận chiêu “lạt mềm buộc chặt”, không cậy sức mạnh quân sự, mà mềm dẻo, linh hoạt trong các đối sách để ràng buộc đối phương và lôi kéo sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước trước các vấn đề tranh chấp với Hàn Quốc và Trung Quốc.
NHẬT QUANG