Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj hôm nay (25-7) sẽ bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Nepal như một phần trong chiến lược “nhất cận lân” mà Thủ tướng Narenda Modi đề ra, trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức lôi kéo các láng giềng của New Delhi.
Ngoại trưởng Swaraj đến Thủ đô Kathmandu để chuẩn bị cho chuyến công du của ông Modi vào tháng 8, chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ đến Nepal trong 17 năm qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết bà Swaraj sẽ đồng chủ trì cuộc họp của Ủy ban Hợp tác Ấn Độ-Nepal với người đồng cấp, trước khi hội kiến các nhà lãnh đạo nước chủ nhà. Thỏa thuận khởi động các dự án năng lượng, vốn bị đình trệ kể từ khi đất nước gắn liền với dãy Himalaya đắm chìm trong cuộc nội chiến năm 1996, sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của bà, bên cạnh các khía cạnh hợp tác về an ninh và biên giới, kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng, năng lượng, văn hóa và giáo dục.
Theo Reuters, trong khi Ấn Độ dưới thời của chính phủ cũ phải chật vật đối phó với tình trạng chính sách bị tê liệt và một nền kinh tế trì trệ, Trung Quốc đã tranh thủ xây dựng quan hệ với các nước láng giềng, gồm cả Nepal, bằng cách giúp đỡ quân đội và cảnh sát, xây dựng đường sá và các dự án điện. Vào năm 2012, Tập đoàn Tam Hiệp của Trung Quốc đã giành được hợp đồng xây dựng đập thủy điện Tây Seti có công suất 750 MW.
Ấn Độ vẫn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Nepal với tổng vốn 441 triệu USD tính đến tháng 7-2014, gần gấp đôi so với 228 triệu USD của Trung Quốc, song khoảng cách ngày càng thu hẹp theo số liệu của Nepal. Mặc dù vậy, New Delhi và Kathmandu lại có một hiệp ước hữu nghị tồn tại đã 64 năm, có chung đường biên giới mở và 6 triệu người Nepal hiện đang làm việc tự do tại Ấn Độ. Hằng năm, Ấn Độ còn cấp học bổng cho 3.000 công dân Nepal, còn thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 4,7 tỉ USD. Những yếu tố thuận lợi kể trên cộng với cảm tình của đảng Quốc đại Nepal cầm quyền sẽ tạo điều thuận lợi cho hai nước nâng tầm quan hệ - theo Alyssa Ayres, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và là một chuyên gia về Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ.
Tháng trước, Thủ tướng Modi đã có chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức đến Bhutan để chứng tỏ ông thật sự coi trọng việc xây dựng mối quan hệ gần gũi với các nước láng giềng như đã tuyên bố.
THANH TRÚC