06/02/2023 - 10:16

Lan tỏa vị bánh dân gian 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Trong gian bếp rộng, dãy lò hấp đỏ lửa, lách tách tiếng củi than, chị Lê Thị Ngọc Sương, thợ làm bánh khá nổi tiếng ở khu vực Tân Bình, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, nhanh tay khuấy bột, đổ khuôn, rồi khéo léo xếp từng cái bánh bò xoay vòng trên mâm. Thâm niên 20 năm gắn bó, trân quý nghề, chị Sương luôn nguyên vẹn cảm xúc của ngày đầu làm bánh dân gian.

Chị Sương (bên phải) với niềm hạnh phúc khi sống vui với nghề bánh dân gian.

Chị Sương (bên phải) với niềm hạnh phúc khi sống vui với nghề bánh dân gian.

Vừa gạt bớt củi lò hấp bánh, chị Sương háo hức kể, ngày mùng 9 Tết vừa qua, chị khai trương gian hàng bánh dân gian ở chợ như thông lệ, được nhiều người ghé ngang ủng hộ. Trước Tết Quý Mão, chị Sương nhận nhiều đơn hàng bánh dân gian cho đám tiệc. Chị vui không chỉ vì có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình ngày thêm sung túc, mà còn góp phần lưu giữ nghề bánh gia truyền. 

Quê xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thời con gái, chị Sương nghỉ học sớm, phụ giúp ngoại và mẹ việc ruộng, rẫy, quán xuyến nhà cửa. Mẹ chị Sương thường nhận làm các loại bánh phục vụ đám tiệc, “độc chiêu” nhất là món bánh thuẫn thường hiện diện trên các mâm lễ vật đám hỏi, cưới miệt vườn thời đó. Vốn khéo tay, những lúc nông nhàn, chị Sương phụ giúp ngoại và mẹ, rồi học “lóm”, nắm bắt kỹ thuật làm các loại bánh. Khi lập gia đình, chị Sương tiếp tục trồng rẫy, nuôi heo; đồng thời, làm vài loại bánh để đỡ nhớ nghề vừa kiếm thêm tiền chợ. Chị Sương kể, lúc đầu, chị làm một ít bánh bò, bánh đúc bán dạo. Mọi người mua ủng hộ, khen ngon nên chị bàn với chồng làm thêm vài món bánh, bày bán ở chợ. “Tiếng lành đồn xa”, gian hàng bánh dân gian của chị Sương ngày càng đông khách.           

Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, chị Sương đã ra chợ bán bánh đến tầm 9 giờ. Dọn hàng, nghỉ ngơi đến xế chiều, chị bắt tay làm bánh cho hôm sau. Gian hàng của chị Sương thường xuyên có các loại bánh chuối, bánh đúc, bánh bò, bánh da lợn… Thỉnh thoảng, chị xen bánh mặn, bánh tằm chan nước cốt dừa béo ngậy. Chị Nguyễn Thị Thê, ở khu vực Tân Thạnh, nói: “Chị Sương nổi tiếng khéo làm bánh dân gian, loại nào cũng có hương vị riêng. Bên cạnh đó, tính tình chị vui vẻ, cởi mở, bán bánh giá vừa túi tiền nên rất được lòng khách hàng”. 10 năm nay, chị Sương còn phân phối bánh cho khoảng 20 chị chuyên bán dạo, giúp chị em có thu nhập ổn định. Mỗi ngày, trừ chi phí, chị Sương có lợi nhuận bình quân khoảng 400.000 đồng, chưa tính đơn hàng của đám tiệc. Chị Sương chia sẻ, 20 năm qua, chị một mực gìn giữ, hướng đến lưu truyền nét đẹp nghề bánh dân gian. Hiện nay, nghề này không còn mất nhiều công sức, thời gian vì đã có thiết bị, máy móc trong một số công đoạn nhưng sự tinh túy và chất lượng từng loại bánh luôn được đảm bảo. Giá cả nguyên, vật liệu, chi phí từng lúc biến động, chị Sương chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chất lượng bánh ngon “nhà làm”, không lạm dụng phụ phẩm, phụ gia, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.  

Theo chị Sương, sự quan tâm ủng hộ các loại bánh dân gian của thực khách gần, xa thời gian qua là nguồn động lực, khích lệ tinh thần để chị kiên trì theo đuổi và gìn giữ nghề. Dù thị trường bánh ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều hình thức, chủng loại, thiết kế sang trọng, bắt mắt phù hợp xu thế phát triển chung, nhưng các loại bánh dân gian không hề mai một mà có vị trí quan trọng trong thực đơn của mọi người, mọi nhà. Chính vì vậy, những người tâm huyết với nghề như chị Sương thấy cuộc sống thêm ý nghĩa khi mỗi ngày được tự tay chế biến, sáng tạo mẫu mã, hương vị để có thu nhập ổn định, đồng thời gởi gắm tâm tình, lưu giữ nghề làm bánh dân gian.

Chia sẻ bài viết