24/06/2023 - 11:55

Làn sóng ly hôn tại Trung Quốc 

NGUYỆT CÁT (Theo CNA)

Giữa lúc tỷ lệ kết hôn và sinh con tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục, các vụ bạo lực gia đình ngày càng tăng và đòi hỏi lớn hơn về nữ quyền đã thúc đẩy làn sóng ly hôn diễn ra trên khắp đất nước tỉ dân. Ðối với nhiều phụ nữ, ly hôn còn được xem là “chứng nhận hạnh phúc”.

Quan điểm cởi mở và tự do khiến nhiều người trẻ Trung Quốc vội vã kết hôn và cũng mau chóng chia tay.

Năm 2012, tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua tỷ lệ kết hôn và đạt đỉnh điểm với 4,71 triệu vụ ly hôn vào năm 2019, dù sau đó giảm còn 2,1 triệu vào năm 2022. Sự sụt giảm nói trên một phần là do việc xử lý đơn ly hôn bị chậm trễ trong thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19 và do quy định “30 ngày hòa giải” được Chính phủ Trung Quốc ban hành vào năm 2021. Theo quy định này, những người muốn ly dị có 1 tháng suy nghĩ lại trước khi hoàn tất thủ tục.

Luật Hôn nhân được Chính phủ Trung Quốc ban hành vào năm 1950, qua đó xóa bỏ các tập tục hôn nhân phong kiến và đưa ra một hệ thống qui định mới dựa trên chế độ hôn nhân một vợ một chồng, bình đẳng giới, tự do kết hôn và ly hôn. Bộ luật này sau đó được ví như “luật ly hôn” vì nhiều phụ nữ dùng nó để thoát khỏi những cuộc hôn nhân sắp đặt. Năm 1980, Luật Hôn nhân sửa đổi cho phép ly hôn với lý do vợ chồng “không còn tình cảm” và đến năm 2001 thì bộ luật này cho phép ly hôn vì bạo lực gia đình và ngoại tình. Năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã đơn giản hóa thủ tục ly hôn bằng cách loại bỏ yêu cầu phải có thư xác nhận từ nơi làm việc của những người muốn ly hôn.

Những sửa đổi nói trên đã khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia dễ dàng và ít tốn kém nhất thế giới khi chấm dứt hôn nhân. Mặc dù giới chức đã ban hành hành “30 ngày hòa giải” để kiềm chế tỷ lệ ly hôn, song động thái này ít ảnh hưởng đến quyết định chia tay của các cặp vợ chồng.

Nhiều lý do khiến tỷ lệ ly hôn tăng mạnh

Thế hệ sinh ra trong giai đoạn Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch hóa gia đình để thực hiện cải cách kinh tế (đa số gia đình chỉ được phép sinh 1 con) chịu ảnh hưởng bởi quan điểm phương Tây về sự lãng mạn, tự do trong tình yêu và quyền cá nhân. Ðối với họ, hôn nhân là tình yêu và lựa chọn cá nhân. Tâm lý này dẫn đến hiện tượng “hôn nhân trơ trụi” - những cặp đôi kết hôn mà không cần xe, nhà, nhẫn cưới, tiệc cưới hay tuần trăng mật. Và sự phổ biến của các cuộc kết hôn “chớp nhoáng” như vậy  cũng dẫn đến những cuộc ly hôn “chóng vánh”.

Thế hệ sinh sau những năm 1980 cũng là đối tượng chịu những thay đổi cuộc sống chưa từng có trong xã hội Trung Quốc hiện đại, khi được sự quan tâm, đầu tư từ cả gia đình và nhà nước. Trình độ học vấn và địa vị kinh tế ngày càng cao của họ - đặc biệt là phụ nữ - đã làm thay đổi mô hình hôn nhân gia trưởng truyền thống. Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, ít phụ thuộc kinh tế vào chồng nên họ cũng mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong mọi việc. 

Bên cạnh đó, chủ nghĩa nữ quyền lan rộng ở Trung Quốc còn giúp bảo vệ các quyền và lợi ích của phụ nữ, từ chống lại chủ nghĩa phân biệt giới tính và quan điểm ưu tiên nam giới cho đến ủng hộ quyền bình đẳng của phụ nữ đối với người chồng. Phụ nữ ngày càng không dễ chấp nhận những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và dứt khoát ly hôn để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhiều phụ nữ chia sẻ và ca ngợi cuộc sống hậu ly hôn của họ trên mạng xã hội, xem giấy ly hôn như là “chứng nhận hạnh phúc”. Một số người thậm chí còn chi hàng ngàn USD để chụp ảnh kỷ niệm sự kiện này.

Về nguyên nhân khách quan, chi phí sinh hoạt gia tăng kết hợp với tình trạng thất nghiệp và phong tỏa trong thời kỳ COVID-19 đã dẫn đến những căng thẳng về kinh tế và tinh thần trong các gia đình, làm tăng số vụ bạo lực gia đình và tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Kể từ khi chính phủ dỡ bỏ phong tỏa, làn sóng tan vỡ đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc, khi các cặp đôi xếp thành hàng dài chờ tới lượt đăng ký ly hôn.

Chia sẻ bài viết