06/04/2025 - 11:25

Chiến lược đối phó và dự phòng tăng huyết áp cùng các bệnh đồng mắc tại cộng đồng 

(CTO) - Ngày 5-4, Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam và Liên chi hội Tăng huyết áp ĐBSCL phối hợp với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức hội nghị tim mạch - thận - chuyển hóa và tăng huyết áp với sự tham dự gần 1.500 chuyên gia y tế trong và ngoài nước.

Ban Tổ chức tặng hoa cảm ơn cho các chuyên gia đầu ngành của châu Âu trong lĩnh vực tim mạch, thận, chuyển hóa và tăng huyết áp.

Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu. 

Hội nghị tập trung vào các nội dung chuyên sâu như: Cập nhật khuyến cáo mới về chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực tăng huyết áp, tim mạch, thận, chuyển hóa năm 2025; tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ dẫn đến những bệnh đồng mắc cùng các biến chứng nghiêm trọng. Hội nghị cũng chia sẻ về những ứng dụng hình ảnh học trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tim mạch, thận, chuyển hóa và tăng huyết áp...

GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam phát biểu khai mạc. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: Bệnh tim mạch hiện vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, kéo theo gánh nặng về chi phí y tế và kinh tế liên quan được dự đoán tiếp tục gia tăng trong tương lai. Gần đây, sự đồng thời thường xuyên của bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính và các yếu tố nguy cơ chuyển hóa đã làm nổi bật những thách thức đáng kể về sức khỏe. Năm 2023, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chia sẻ kết quả nghiên cứu về hội chứng tim - thận - chuyển hóa, đề cập đến sự tương tác phức tạp của các yếu tố nguy cơ tim mạch, thận và chuyển hóa, dẫn đến rối loạn chức năng đa cơ quan và tỷ lệ mắc các biến chứng tim mạch cao. Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về hội chứng tim - thận - chuyển hóa nhưng với tỉ lệ tăng huyết áp toàn dân ở người trên 18 tuổi là 32%, đái tháo đường 7,3%, bệnh thận mạn là 16% cho thấy tầm quan trọng của hội chứng tim - thận - chuyển hóa. Do đó, thách thức đặt ra cần tăng cường các chiến lược đa ngành, đa chuyên khoa để phân tầng rủi ro, phòng ngừa và quản lý các bệnh lý tim mạch.

BS CKII Lại Văn Nông, Giám đốc BV Trường Đại học Y Dược TP Cần Thơ cho biết hội nghị diễn ra với nhiều hình thức đa dạng gồm báo cáo tổng quan chuyên sâu, trình bày ca lâm sàng đặc biệt, cập nhật khuyến cáo mới, hội thảo vệ tinh, các phiên thảo luận song ngữ… Đây không chỉ là sự kiện mang tính học thuật cao mà còn là diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và kết nối chuyên môn giữa các nhà lâm sàng, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức y tế trong nước cũng như quốc tế. BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là cơ sở y tế kiêm đào tạo, nghiên cứu trọng điểm của khu vực ĐBSCL, có trách nhiệm trong công tác nâng cao chất lượng y tế, đặc biệt là quản lý các bệnh lý mạn tính không lây. Hội nghị là cam kết mạnh mẽ của Nhà trường và BV về việc đồng hành cùng các hội chuyên ngành, các đối tác trong và ngoài nước nhằm phát triển mạng lưới chuyên môn, đào tạo nhân lực chất lượng cao và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học trong thực tiễn điều trị.

* Dịp này, Ban Tổ chức hội nghị tổ chức lễ phát động chương trình “Tháng 5 đo huyết áp” năm 2025 của khu vực ĐBSCL nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động chương trình “Tháng 5 đo huyết áp” năm 2025 của khu vực ĐBSCL.

Tại Việt Nam, kết quả tầm soát của Chương trình Tháng 5 đo huyết áp được triển khai từ năm 2017 đến nay, cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp chiếm đến 30,1% ở  người trên 18 tuổi. Tuy nhiên, chỉ hơn 1/3 số người được điều trị tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp mục tiêu theo khuyến cáo hiện tại.

Năm 2025, chương trình Tháng 5 đo huyết áp tại Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7-2025, với thông điệp “Huyết áp > 140/90mmHg đừng quên hỏi ngay bác sĩ”. Chương trình kêu gọi mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên chưa từng đo huyết áp trong 1 năm qua hãy tới các cơ sở y tế để được kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm, theo dõi và tư vấn điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Điều trị bệnh tăng huyết áp cần phối hợp giữa điều chỉnh lối sống với thuốc kiểm soát huyết áp, giúp người bệnh dễ dàng đạt mục tiêu huyết áp khoảng 130/80mmHg hoặc thấp hơn mà người bệnh vẫn cảm thấy dễ chịu, tùy theo bệnh lý đi kèm và tùy đặc điểm riêng của từng người bệnh.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết