07/04/2025 - 11:06

Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững 

Ðầu năm 2025, thành phố có 350 hộ nghèo, tương đương 0,09% tổng số hộ trên địa bàn. Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,05%, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững. Năm 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, TP Cần Thơ xây dựng và sửa chữa trên 430 căn nhà, trợ giúp 28.686 lượt hộ vay trên 1.000 tỉ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh, cấp 25.426 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)… 

Hộ dân xã Thới Tân, huyện Thới Lai vay vốn ưu đãi trồng na Thái, phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều chính sách trợ giúp

Ðược Hội Nông dân phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt giới thiệu vay 80 triệu đồng để mở rộng mô hình chế biến món cơm cháy chà bông, chị Nguyễn Thị Bế ở khu vực Quy Thạnh 2, phấn khởi khi đơn hàng có thường xuyên, thu nhập ổn định. Chị Bế chia sẻ: “Lúc trước, cả nhà 4 người làm công tại cơ sở chế biến thực phẩm. Tiền công cũng đủ sống nhưng không đảm bảo sức khỏe làm việc lâu dài. Hơn năm nay, tôi được vay vốn để làm nghề này nên chủ động về thời gian. Hàng tôi làm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhận đơn bình quân 200-400 bánh/ngày”.

Năm 2024, quận Thốt Nốt phát vay trên 97 tỉ đồng cho 2.129 hộ vay phát triển kinh tế gia đình; trong đó, ưu tiên nguồn vốn ngân sách quận hỗ trợ các mô hình làm ăn hiệu quả, gắn với phát triển du lịch sinh thái theo định hướng của quận. Quận xây dựng và sửa chữa 137 căn nhà; cấp 2.136 thẻ BHYT; trợ giúp giáo dục cho 183 lượt học sinh… Toàn quận hiện có 66 hộ nghèo, tỷ lệ 0,16%; 412 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,98%; 15 khu vực không còn hộ nghèo. Thời gian tới, quận tăng cường tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ vốn vay ưu đãi gắn với hoạt động tổ tiết kiệm, góp vốn, thu hút nhiều lao động tham gia.

Trong năm qua, quận Ô Môn vận động xây dựng và sửa chữa 62 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở; cấp 4.957 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 95 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay trên 3,3 tỉ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Quận đẩy mạnh tuyên truyền hộ nghèo nâng cao ý thức lập thân, lập nghiệp, tìm việc làm, thu nhập ổn định; gắn kết vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm và giảm nghèo; kiên quyết không phát vay đối với hộ nghèo, cận nghèo không có kế hoạch làm ăn hoặc kế hoạch không khả thi. Mỗi chi hội đoàn thể khu vực nhận hỗ trợ 1 hộ thoát nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, ngụ khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, nói: “Tôi được Chi hội Phụ nữ hỗ trợ vay 30 triệu đồng để nuôi 30 con dê thịt. Hằng ngày, tôi tận dụng bã tàu hủ, cắt cỏ, hái rau cho dê ăn để tiết kiệm chi phí. Tôi bán dê giống từ 1,5 triệu đồng/con và dê thịt từ 100.000 đồng/kg, thu nhập ổn định”. Chị Bích tận dụng nguồn phân dê bón 1 công vườn ổi lê. Mỗi tuần, chị Bích bán khoảng 300kg ổi, giá từ 3.000-8.000 đồng/kg.

Với các giải pháp lồng ghép dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm tại chỗ; nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả, quận Ô Môn phấn đấu cuối năm 2025 giảm còn 0,1% hộ nghèo.

Quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống

Năm 2025, để giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,05%, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12/2023/NQ-HÐND của HÐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024-2025 về sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh. Các phong trào “Cần Thơ chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau và công tác an sinh xã hội” và “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo. Thành phố huy động mọi nguồn lực thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo bền vững, chú trọng hỗ trợ tín dụng để hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, mua bán nhỏ, tăng thu nhập; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, nỗ lực đa dạng hóa, nhân rộng mô hình sinh kế, giảm nghèo, giải quyết việc làm hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ kinh doanh nhằm nâng cao số hộ nghèo được tham gia mô hình, tiếp cận các chính sách trợ giúp, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Võ Thị Thu Nga, Tổ trưởng Tổ liên kết đan dây nhựa, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết, gần 3 năm qua, Tổ nỗ lực duy trì nguồn hàng gia công thường xuyên, đảm bảo việc làm lúc nhàn rỗi cho gần 20 thành viên, thu nhập bình quân 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Hay UBND xã Thới Tân, huyện Thới Lai quan tâm tạo điều kiện để các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp ổi ruột hồng Thới Tân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bao tiêu sản phẩm, tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật, tăng thu nhập.  

Theo nhận định của lãnh đạo các địa phương, việc kịp thời thực hiện các chính sách trợ giúp, vận động xã hội hóa chăm lo hộ nghèo, cận nghèo đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời, cơ bản nâng cao ý thức tự lực để hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết