Ứng phó với tình hình khô hạn kết hợp với nắng nóng, nhiều nông dân trong tỉnh Kiên Giang áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Tư (bên phải), ngụ ấp Nha Sáp, xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) loại bỏ bớt trái sầu riêng non để cây không bị kiệt sức trong mùa nắng nóng.
Ông Nguyễn Văn Tư, ngụ ấp Nha Sáp, xã Vĩnh Ðiều (Giang Thành), cho biết, sầu riêng trong vườn đang trong giai đoạn nuôi trái non. Do nắng nóng những ngày gần đây diễn ra khá gay gắt nên ông phải tưới cho cây thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, ông còn tuyển lựa, cắt bỏ bớt trái, chỉ chừa lại những trái đẹp nhằm đảm bảo chất lượng trái sầu riêng khi thu hoạch và tránh nguy cơ cây bị suy kiệt. Ông Tư nói: “Nắng nóng gay gắt kéo dài dễ gây tác động xấu cho vườn cây và khiến cây có thể bị giảm năng suất, chất lượng trái. Nhờ đầu tư gắn hệ thống phun tưới nước tự động nên chỉ cần khởi động hệ thống tưới là cả vườn sầu riêng được tưới mát đủ nước”. Ngoài ra, để giữ độ ẩm cho vườn sầu riêng 3ha, mùa nắng này ông Tư không làm sạch hết cỏ trong vườn mà giữ lại nhằm tận dụng cỏ che đậy gốc cây, đồng thời tăng cường bón các loại phân hữu cơ cho cây khỏe mạnh.
Tại ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp (huyện Châu Thành), ông Trương Văn Dũng bảo vệ vườn ổi 3.000m2 của gia đình bằng cách loại bỏ bớt trái non để cây không bị kiệt sức trong mùa nắng nóng. Theo ông Dũng, một trong các cách chăm sóc cây mùa nắng nóng quan trọng là tưới nước cho cây. Thời tiết nắng nóng khiến nước bay hơi, nhiệt độ tăng cao làm đất khó giữ đủ độ ẩm để đáp ứng lượng nước cây hấp thụ. Vì vậy, cần tưới nước cho cây vào lúc sáng sớm hoặc tối, khi nhiệt độ ngoài trời đã giảm. Tuy nhiên, lượng nước tưới vừa đủ cây hấp thụ, tránh tình trạng thừa nước dẫn đến độ ẩm đất cao là điều kiện để các loại nấm và cỏ dại sinh sôi làm hại cây trồng. “Cống gần nhà vận hành đóng, mở 3 lần/tháng, tôi canh ngày nào mở cống thì dở đập ruộng nhà để đón nước ngọt từ kênh Cái Sắn về trữ lại trong ao phục vụ tưới cây. Làm như vậy thì dù ngoài kênh có bị mặn xâm nhập cũng không lo thiếu nước tưới cho vườn ổi và 5.000 dây bí rợ hồ lô sắp cho trái”, ông Dũng nói.
Một trong những bí quyết giúp nông dân vùng U Minh Thượng nuôi tôm thành công trong thời tiết khắc nghiệt là nuôi tôm 2 giai đoạn. Theo nhiều nông dân, ương vèo tôm giống như tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh từ 20-60 ngày cho thích nghi với môi trường tại vuông nuôi sẽ giúp giữ cho tôm giống phát triển khỏe mạnh, không hao đầu con, đảm bảo không bị bệnh dịch. Tuy nhiên, khi vèo tôm giống trong ao vèo diện tích nhỏ mật độ cao tôm dễ bị thiếu oxy, dẫn đến tình trạng vèo tôm không đạt làm tăng chi phí mua con giống, thời gian thả nuôi.

Ông Nguyễn Văn Nở, ngụ ấp Kênh 1B, xã Đông Yên (huyện An Biên) đang lắp đặt hệ thống oxy đáy tại ao vèo tôm càng xanh của gia đình.
Qua nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn, nhằm giúp khâu ương vèo tôm giống đạt đầu con trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như vừa qua, ngoài lựa chọn con giống chất lượng, nông dân huyện An Biên còn truyền tay nhau “bí kiếp” lắp hệ thống tạo oxy đáy cho ao vèo tôm giống. Có hệ thống này, nước trong vuông nuôi có đủ lượng ôxy hòa tan, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển, lấn át chủng vi khuẩn có hại hoặc tác nhân gây bệnh trên tôm. Hệ thống tạo oxy đáy thiết kế khá đơn giản, gồm một máy thổi khí con sò cạn công suất 250w, và ống nhựa, dây dẫn, các phụ kiện khác như van khóa, đá sủi bọt oxy, van oxy… Ông Nguyễn Văn Nở, ngụ ấp Kênh 1B, xã Ðông Yên (An Biên) cho biết: “Tôi vừa đầu tư 5 triệu đồng để lắp đặt hệ thống oxy đáy phục vụ tốt hơn ao vèo tôm càng 700m2 của gia đình. Có hệ thống tạo oxy đáy này thì an tâm bảo vệ đàn tôm giống khỏe mạnh ngay cả khi thời tiết nắng hạn khắc nghiệt”.
Bài, ảnh: AN LÂM