05/04/2025 - 08:36

Ứng dụng AI trong học tập, nghiên cứu 

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần quan trọng làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động giáo dục, không chỉ trong phân tích và đánh giá kết quả mà cả giảng dạy và học tập. Trong bối cảnh đó, giảng viên, sinh viên các trường đại học ở Cần Thơ ứng dụng AI hiệu quả trong dạy, học và nghiên cứu.

Các bức tranh được sinh viên Trường Ðại học FPT phân hiệu Cần Thơ ứng dụng AI trong quá trình sáng tác. Ảnh: B.NG

Chỉ vài thao tác trên ChatGPT, Nguyễn Văn Trọng, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Nam Cần Thơ tìm thông tin tham khảo để thực hiện đoạn văn bằng tiếng Anh phục vụ bài học. Trọng cho biết bên cạnh kiến thức trên lớp, em còn tìm hiểu thêm thông tin trên Internet, trong đó có ứng dụng ChatGPT. Trong thời đại công nghệ 4.0, sinh viên càng phải tự học, tự rèn và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ để thích ứng. Việc sử dụng ChatGPT, AI… là cần thiết nhưng sinh viên phải chọn lọc thông tin để nâng cao hiệu quả học tập. Còn Tiến sĩ Ngô Viết Thịnh, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Nam Cần Thơ, thì sử dụng AI như công cụ hỗ trợ giảng dạy. “Phải để sinh viên tự tìm hiểu, tự học, tự trình bày. Nguồn tư liệu mà các em tìm được nhờ sử dụng AI là nội dung thảo luận ở lớp” - Tiến sĩ Ngô Viết Thịnh nói thêm. 

Giữa tháng 3-2025, nhóm sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện, Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ, tổ chức triển lãm tranh kết hợp ứng dụng AI “Beyond the Screen”. Sự kiện nhằm khám phá tác động của mạng xã hội (MXH) Facebook đối với Hội chứng sợ bỏ lỡ (Fear Of Missing Out - FOMO) của sinh viên, đồng thời ứng dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm là một hoạt động thuộc đồ án tốt nghiệp của nhóm sinh viên Cao Quốc Khánh, Nguyễn Quang Minh và Võ Minh Thuận, với mục tiêu kết hợp nghiên cứu học thuật và thực tiễn để nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của MXH. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật kết hợp với dữ liệu nghiên cứu thực tế, sự kiện không chỉ giúp người tham dự hiểu rõ hơn về tác động của Facebook mà còn mở ra không gian thảo luận về việc sử dụng MXH một cách lành mạnh, cân bằng. Bộ sưu tập “Beyond the Screen” gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật kết hợp giữa tư duy sáng tạo của con người và sự hỗ trợ của AI. Nhóm sinh viên đã sử dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh từ các mô tả chi tiết (Prompt), sau đó tiếp tục chỉnh sửa bằng phần mềm Photoshop nhằm hoàn thiện bố cục, màu sắc và hiệu ứng thị giác.

Theo Cao Quốc Khánh, Trưởng nhóm dự án, quá trình thực hiện mỗi tác phẩm không chỉ là sáng tạo nghệ thuật mà còn là sự thử nghiệm liên tục để đạt được hiệu quả thẩm mỹ và truyền tải đúng thông điệp về FOMO trong thời đại số. Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc điều chỉnh Prompt để AI có thể tạo ra hình ảnh sát với ý tưởng ban đầu. Nhiều tác phẩm phải thử nghiệm qua nhiều phong cách khác nhau và chỉnh sửa hậu kỳ nhiều lần để đạt kết quả ưng ý. “AI giúp tối ưu hóa quá trình sáng tạo, rút ngắn thời gian phác thảo và mang đến những gợi ý bất ngờ; từ đó giúp nhóm phát triển ý tưởng theo hướng mới mẻ hơn”, Quốc Khánh chia sẻ. Theo cô Phạm Việt Ngoan, giảng viên bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ, triển lãm “Beyond the Screen” là một sự kiện nghệ thuật và là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, thể hiện tính ứng dụng cao trong chương trình đào tạo của trường. 

*  *  *

Việc nâng cao chất lượng đào tạo đòi hỏi nhiều yếu tố về nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp dạy và học của giảng viên, sinh viên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, AI vào dạy học, thực hiện dự án nghiên cứu ở các trường là xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghệ số hiện nay.

B. KIÊN

 

Chia sẻ bài viết