05/09/2018 - 21:18

Làm giàu ở xã nông thôn mới 

Về Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang trong những ngày này mới thấy được sự thay da, đổi thịt của một xã nông thôn mới. Vẫn là mảnh đất từ bao đời nay làm ăn sinh sống, nhưng người nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để vươn lên làm giàu.

Mỹ Hòa Hưng là một xã cù lao của TP Long Xuyên. Diện tích tự nhiên trên 2.000ha, diện tích đất nông nghiệp trên dưới 570ha. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó chủ lực là cây ăn trái, rau màu và nuôi trồng thủy sản, du lịch... Trong năm qua, nông dân xã Mỹ Hòa Hưng đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn - chất lượng; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân. Từ đó, có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả đã được phát huy, nhân rộng.

Phát triển mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP ở xã Mỹ Hòa Hưng.

Tiêu biểu như hộ ông Hồ An Ghem, ấp Mỹ An 2, một trong những nông dân đi đầu trong mô hình phát triển cây kiểng bon sai. Hiện nay, vườn cây kiểng của gia đình ông có khoảng 11 chủng loại cây như: nguyệt quế, kim quýt, cần thăng, kim lá lớn, kim lá nhỏ… Bình quân hằng năm, ông cung cấp cho thị trường từ 500-600 chậu các loại. Với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng 1 chậu, mỗi năm ông Ghem thu lợi nhuận trên dưới 270 triệu đồng. Hay ông Huỳnh Thế Truyền, ngụ ấp Quốc Khánh, điển hình nông dân làm giàu với niềm đam mê cây mai. Trên diện tích khoảng 900m2, ông Truyền trồng khoảng 700 chậu mai lớn, nhỏ các loại. Với giá bán trong dịp Tết từ 2 - 5 triệu đồng/chậu, mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông Truyền thu về cho gia đình từ 100 - 150 triệu đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ bán mai, gia đình ông Huỳnh Thế Truyền còn có nguồn thu nhập ổn định từ 3ha đất ruộng. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, mỗi năm đem về thu nhập cho gia đình ông trên dưới 100 triệu đồng.

Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản ở Mỹ Hòa Hưng rất đa dạng giống loài và phương pháp tạo ra vùng nguyên liệu thương phẩm, như: Ao, hầm, lồng, bè, đăng quầng nuôi cá tra, rô phi, điêu hồng, chim trắng… Không những tạo nguồn lợi nhuận cao, các mô hình này còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Đặc biệt, Mỹ Hòa Hưng là một trong những địa phương đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu qua việc nhân rộng vùng trồng rau an toàn tại ấp Mỹ An 2 với tổng diện tích 15ha, thu hút sự tham gia của 29 nông dân. Ông Huỳnh Ngọc Diện, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng, chia sẻ: “Mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP đã giúp nhiều hộ nông dân ổn định kinh tế. Mỗi ngày, tổ xuất ra thị trường trên dưới 1 tấn rau các loại. Đặc biệt, tổ rau màu được siêu thị Co.opmart Long Xuyên, chợ Mỹ Bình, Công ty Phan Nam bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 1.500 - 2.000 đồng/kg”.

Giờ đây, về cù lao Ông Hổ, có thể thấy được sự thay da, đổi thịt của quê hương Bác Tôn. Những ngôi nhà mới khang trang, những tuyến đường toàn xã đều được láng nhựa, các tuyến đường ra cánh đồng ngày trước giờ cũng được bà con hùn nhau làm cầu đường bê tông vững chắc... Điều đó cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây đang ngày càng được nâng cao. Mà khi đời sống bà con được nâng cao thì việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới sẽ không quá khó. Ngoài đóng góp tiền mặt, người dân còn góp công, hiến đất, vật liệu xây dựng để làm đường giao thông nông thôn, cùng nhiều công trình phúc lợi khác ở địa phương. Ông Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, bộ mặt nông thôn của xã Mỹ Hòa Hưng ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau khi xã đạt được chuẩn nông thôn mới. Có được như vậy chính nhờ sự đóng góp không nhỏ của các hội viên, nông dân trong địa bàn xã.

Bài, ảnh: PHI ĐIỆP

Chia sẻ bài viết