15/08/2013 - 14:40

Lại xảy ra đụng độ chết người ở Ai Cập

Hơn 300 người đã thiệt mạng trong làn sóng bạo lực tại Ai Cập từ khi ông Morsi bị lật đổ hồi đầu tháng 7-2013.
Ảnh: Reuters

Một thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã thiệt mạng cùng với ít nhất 11 người bị thương trong các cuộc đụng độ tại Ai Cập hôm 13-8, vụ việc mà phe Hồi giáo cho là có liên quan đến những người “trong trang phục cảnh sát” - hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn tin an ninh cho biết.

Diễn biến trên có thể khiến bế tắc chính trị giữa tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vốn một mực đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi với chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn càng thêm nan giải. Thậm chí hôm qua (14-8), tổ chức Huynh đệ Hồi giáo còn cho biết ít nhất 30 người biểu tình đã bị lực lượng an ninh bắn chết tại quảng trường Rabaa al-Adawiya, nơi phe ủng hộ ông Morsi dựng lều suốt hơn 6 tuần qua, song thông tin trên chưa được xác nhận chính thức. Trước đó, hàng ngàn người ủng hộ ông Morsi đã tuần hành trước trụ sở Bộ Nội vụ và các bộ khác ở Thủ đô Cairo, đụng độ đã xảy ra giữa họ với dân thường buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán.

Trong khi đó, hôm 13-8, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ lâm thời Ai Cập cho phép những người ủng hộ ông Morsi biểu tình một cách hòa bình. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf, Washington xem quyền tự do biểu tình là “một phần quan trọng” của tiến trình dân chủ tại Ai Cập, song cũng lo ngại về làn sóng bạo lực mới.

Bên cạnh bế tắc chính trị chưa có lối thoát và nền kinh tế đầy khó khăn, chính phủ lâm thời Ai Cập cũng đang đứng trước một loạt thách thức khác, đặc biệt là tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng liên quan đến các tay súng thánh chiến trên Bán đảo Sinai vốn thuộc lãnh thổ Ai Cập. Hồi tuần rồi, một máy bay không người lái đã không kích gần thị trấn Rafah trên Bán đảo Sinai, giáp biên giới với Israel, tiêu diệt 4 phần tử Hồi giáo thuộc nhóm Ansar Jerusalem có liên hệ với al-Qaeda. Các phần tử này được cho là đang chuẩn bị nã rốc-két vào một mục tiêu ở miền Nam Israel. Giới chức phương Tây tiết lộ Israel đã thực hiện vụ không kích cùng với sự hỗ trợ từ quân đội Ai Cập. Tuy nhiên, Cairo lên tiếng bác bỏ sự can thiệp của quốc gia láng giềng và khẳng định chính họ tiến hành vụ tấn công bằng máy bay chiến đấu Apache.

Theo giới phân tích phương Tây, dù không được thừa nhận nhưng đây là dấu hiệu rõ rệt nhất về sự phối hợp ngày càng tăng với mức độ cao giữa quân đội, giới tình báo tại Tel Aviv và Cairo. Được biết, “cái bắt tay” trên đã được siết chặt hơn kể từ khi ông Morsi bị lật đổ.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại Trung Đông cũng cảnh báo rằng hợp tác chống khủng bố có thể sẽ ảnh hưởng đến chính phủ lâm thời Ai Cập nếu Cairo “quá thân” với Tel Aviv và đây cũng được cho là “mối quan hệ nhạy cảm”, nhất là đối với Israel. Theo một tướng về hưu ở Cairo, một số tổ chức thánh chiến trên Bán đảo Sinai có mối quan hệ với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đang thất thế ở Ai Cập, do vậy đây sẽ là hiểm họa cho nhà nước Do Thái vốn bị coi là “cái gai” trong mắt thế giới Hồi giáo.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết