13/07/2012 - 21:15

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Ai Cập - Arabie Séoudite

Quốc vương Abdullah (trái) và các thành viên trong hoàng gia Arbie Séoudite tiếp phái đoàn của Tổng thống Ai Cập Mursi. Ảnh: Reuters 

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi trở thành tổng thống tân cử của Ai Cập, ông Mohamed Mursi ngày 12-7 đã có cuộc hội đàm thân mật với Quốc vương Abdullah của Arabie Séoudite – một tín hiệu cho thấy hai nước sẽ gác lại những bất đồng sâu sắc trước đây để tiến tới hợp tác vì lợi ích song phương.

Arabie Séoudite vốn là một đồng minh thân cận của Ai Cập thời của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, người bị lật đổ hồi năm ngoái trong cuộc nổi dậy do tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của ông Mursi dẫn đầu. Huynh đệ Hồi giáo và Arabie Séoudite chia sẻ các giá trị của người Hồi giáo dòng Sunni. Tuy nhiên, Riyadh xem tổ chức nói trên như một đối thủ có khả năng gây bất ổn giữa Arabie Séoudite và các nước đồng minh cũng như kích động mối bất hòa trong nước. Về phần mình, Huynh đệ Hồi giáo lâu nay luôn chống đối nền quân chủ Arabie Séoudite vì cho rằng nước này chỉ là một công cụ làm lợi cho phương Tây trong khu vực. Dù được sáng lập ở Ai Cập, nhưng Huynh đệ Hồi giáo có lực lượng hoạt động ngầm khá hùng hậu ở Arabie Séoudite, bất chấp lệnh cấm và sự thù hằn sâu sắc của các nhà cầm quyền ở nước sở tại.

Quan hệ hai nước xuống dốc hồi tháng 4, sau khi xảy ra các cuộc biểu tình trước đại sứ quán Arabie Séoudite ở Thủ đô Cairo để phản đối vụ bắt giữ một luật sư Ai Cập, rồi Riyadh quyết định triệu hồi đại sứ về nước. Các nghị sĩ Quốc hội Ai Cập, bao gồm các nhân vật cấp cao trong Huynh đệ Hồi giáo, đã đến Arabie Séoudite để xoa dịu căng thẳng. Mặc dù vậy, hãng tin Anh Reuters cho biết Arabie Séoudite là nước có động thái đầu tiên hướng tới thiết lập quan hệ mới với Ai Cập, khi hồi đầu tháng này, Quốc vương Abdullah đã gửi lời mời Tổng thống Mursi đến thăm nước mình. Báo giới Arabie Séoudite cho biết chuyến thăm của Tổng thống Mursi là một sự công nhận của Ai Cập đối với ảnh hưởng của Arabie Séoudite trong khu vực và các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tập trung vào “các vấn đề chủ chốt trong khu vực và quốc tế, bao gồm những biện pháp kiềm chế cuộc khủng hoảng tại Syrie”.

Thời báo New York của Mỹ nhận định dù gì thì Ai Cập vẫn cần sự hỗ trợ tài chính từ Arabie Séoudite để khôi phục nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề sau 18 tháng diễn ra cuộc nổi dậy. Tháng 5, Arabie Séoudite đã chuyển 1 tỉ USD vào Ngân hàng Trung ương Ai Cập để giúp nước này chống chọi với khủng hoảng trong thời gian chờ nhận được khoản vay trị giá 3,2 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời tuyên bố sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Cairo. Ai Cập được cho là cần khoảng 9 tỉ USD để tránh bị phá sản.

Chính vì vậy, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước mang ý nghĩa rất lớn. Truyền thông Arabie Séoudite cho biết tối 11-7, Hoàng tử Salman cùng nhiều thành viên khác trong hoàng gia đã đến tận phi trường ở thành phố Jeddah để đón Tổng thống Mursi, trước khi đưa ông đến gặp mặt và ăn tối cùng Quốc vương Abdullah. Giới phân tích ở Arabie Séoudite cho rằng sự đón tiếp trọng thị của Hoàng gia Arabie Séoudite đối với Tổng thống Ai Cập cho thấy quốc gia giàu có nhất thế giới A-rập sẵn sàng bỏ qua những căng thẳng để hợp tác với tân Tổng thống Ai Cập cũng như mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

THANH TRÚC (Theo Reuters, NYTimes)

Chia sẻ bài viết