02/02/2013 - 22:10

Kinh tế xã hội bất ổn – “Bom nổ chậm” trong lòng Ai Cập

Trong một động thái hiếm hoi, các đảng phái chính trị tại Ai Cập bao gồm đảng Tự do và Công lý (FJP) của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, Salafist Nour và Mặt trận Cứu quốc (NSF) đối lập đã tổ chức buổi gặp mặt dưới sự chủ trì của Tổng thống Mohammed Morsi vào hôm 31-1, nhất trí về một "cuộc đàm phán nghiêm túc", kêu gọi đối thoại để vượt qua sự hỗn loạn chính trị và tình trạng khủng hoảng kinh tế nguy cấp của đất nước.

Theo các dữ liệu thống kê chính thức, nền kinh tế Ai Cập đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 20 năm qua với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 13%. Trong đó, đối tượng thanh niên độ tuổi từ 25 đến 29 chiếm 25% và 19-24 tuổi chiếm 41%. Ông Samir Radwan, người nắm giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính Ai Cập từ tháng 1 đến tháng 7-2011, nhận định các dữ liệu trên chứng minh Ai Cập đang giữ bên mình một "quả bom nổ chậm" mang tên kinh tế xã hội.

 Đám đông hô vang các khẩu hiệu chống Tổng thống Morsi trong một cuộc biểu tình trước Dinh Tổng thống tại Thủ đô Cairo. Ảnh: Reuters.

Hiện tại, nguồn ngoại tệ dự trữ của nước này đã giảm xuống dưới mức 15 tỉ USD và chỉ đủ cho hoạt động nhập khẩu trong vòng 3 tháng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do nguồn thu từ du lịch và các khoản đầu tư từ nước ngoài đã giảm đáng kể do ảnh hưởng từ những bất ổn về chính trị ở Ai Cập.

Du lịch, một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu cho nền kinh tế đã giảm ít nhất 30% kể từ cuộc nổi dậy năm 2011 và tình hình thậm chí càng trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn bạo lực đang lan rộng trong những tuần gần đây. Thực tế có thể nói, ngành du lịch ở Thủ đô Cairo hiện nay dường như không tồn tại. Ở khu vực miền Nam Ai Cập, ngành "công nghiệp không khói" chỉ đạt khoảng 5% so với thời điểm bình thường trước đây. Ngay cả một số khu nghỉ mát cách biệt với những căng thẳng chính trị đang diễn ra ở trung tâm của đất nước như vùng Biển Đỏ cũng chỉ thu hút được khoảng 50% lượng khách du lịch, ngay cả trong mùa du lịch cao điểm.

Theo một nhà tư vấn doanh nghiệp, các hoạt động nhập khẩu trong nước chẳng bao lâu sẽ không thể trông cậy vào hình thức "mua trước trả sau" mà tất cả đều phải thanh toán bằng tiền mặt. Tình trạng này tương lai sẽ dẫn tới hệ quả lượng hàng nhập khẩu trở nên ít đi trong khi giá cả của chúng ngày một tăng lên. Hiện Ai Cập đang phải nhập khẩu khoảng 40% thực phẩm, bao gồm một số lương thực cần thiết như lúa mì. Và với một phần tư dân số Ai Cập đang sống dưới mức nghèo đói bằng thu nhập chỉ khoảng 1 USD/ngày thì không có gì ngạc nhiên khi báo cáo từ các chuyên gia thực phẩm cho thấy gần 86% hộ gia đình ở Xứ sở Kim tự tháp không đủ khả năng chi trả cho tổng nhu cầu hàng tháng.

Trước tình trạng đó, Chính phủ Ai Cập đã dành khoảng một phần ba ngân sách nhà nước để chi cho các khoản trợ cấp - con số mà theo khẳng định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần được cắt giảm nếu Cairo muốn nhận được khoản vay cứu trợ trị giá 4,8 tỉ USD. Và dĩ nhiên IMF và một số nước như Đức hay Mỹ thậm chí sẽ không xem xét yêu cầu của Ai Cập cho đến khi quốc gia Bắc Phi này chứng minh được đất nước đang trên đà phục hồi và tiến trình dân chủ vẫn đang được thực thi.

"Nếu đạt được thỏa thuận với IMF, ngân sách không chỉ được cung ứng lượng tiền mặt cần thiết mà nhà nước còn có "tấm bùa hộ thân" để trấn an các nhà đầu tư rằng chính phủ có các chính sách tài chính, tiền tệ thích hợp để đối phó với thâm hụt ngân sách và nợ công đang ngày phình to"- cựu Bộ trưởng Tài chính Radwan cho biết. Nhưng theo ông, chính phủ cần có nguồn tài chính đủ để lấp đầy khoản tiền 14,5 tỉ USD do thâm hụt ngân sách và cán cân thương mại, bằng không tăng trưởng vẫn giậm chân tại chỗ. "Nếu tăng trưởng không hơn mức 7% thì tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói sẽ không giảm và cuộc khủng hoảng vẫn còn tiếp diễn"- ông nói thêm.

Không chỉ vậy, vấn đề bất ổn an ninh hiện đang là trở ngại lớn nhất cản trở quá trình sản xuất của đất nước. Các phần tử thuộc chế độ cũ vẫn tiếp tục gây rối khiến tình hình ngày càng hỗn loạn, trong khi nhiều sĩ quan cảnh sát cấp cao cũng không che giấu thái độ bất hợp tác với Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cầm quyền. Một vấn đề khác cũng khá nghiêm trọng là tình trạng mất điện thường xuyên diễn ra, dẫn đến hoạt động sản xuất hoàn toàn bế tắc và khiến các đối tác quay lưng với các doanh nghiệp trong nước.

Trong chuyến thăm tới Đức vừa qua, Tổng thống Morsi đã không thành công trong việc tô vẽ nên bức tranh màu hồng về sự tăng trưởng trong tương lai của Ai Cập trong nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ Berlin. Tổng thống Morsi hy vọng trong năm nay, mức tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5,5%, và 7-8% trong những năm tiếp theo, đồng thời tạo ra khoảng 750.000 việc làm mỗi năm cho người dân Ai Cập. Tuy nhiên, theo dự báo gần đây của Ngân hàng Thế giới thì Cairo chỉ có thể cán mốc hơn 2,6 % tăng trưởng trong năm nay, 3,8% trong năm 2014 và 4,7% vào năm 2015.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tiền tệ hiện nay ở Ai Cập tựa như một ngòi nổ. Nếu nhà nước không tìm thấy một giải pháp khả thi, các cuộc nổi dậy có thể khiến bạo loạn năm 1977 tái diễn một lần nữa. Như vậy, Ai Cập sẽ mãi vướng trong vòng luẩn quẩn, đó là tình trạng bất ổn chính trị của đất nước sẽ không chấm dứt nếu kinh tế không phát triển và nền kinh tế vẫn tiếp tục trì trệ vì khủng hoảng chính trị vẫn cứ tiếp diễn.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Globe and Mail, Reuters)

Hãng tin Anh Reuters hôm qua cho biết, ít nhất 1 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi đụng độ xảy ra giữa cảnh sát chống bạo động với người biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Morsi.

Vụ việc xảy ra khi hàng ngàn người Ai Cập tiếp tục xuống đường nhằm phản đối Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và yêu cầu Tổng thống Morsi từ chức. Đụng độ xảy ra khi cảnh sát sử dụng vòi rồng và hơi cay trong nỗ lực ngăn chặn dòng người biểu tình tiến vào Dinh Tổng thống trong khi số khác ném gạch đá và bom xăng vào khuôn viên tòa nhà. Đám đông phản đối đã lên tiếng cáo buộc ông Morsi “phản bội lại tinh thần của cuộc cách mạng bằng cách tập trung quyền lực cho bản thân và Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo”.

Chia sẻ bài viết