02/06/2010 - 22:24

Kinh tế và quân sự

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP của nền kinh tế thế giới năm 2009 đã giảm 0,9% do tác động lan rộng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ cuối năm trước. Tuy nhiên, nếu so với sự đi xuống của nền kinh tế toàn cầu, chi tiêu quân sự của các nước trên thế giới lại tăng gấp nhiều lần.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), công bố ngày 2-6, cho thấy tổng chi tiêu quân sự của thế giới hồi năm ngoái đạt mức kỷ lục 1.531 tỉ USD, trong đó Mỹ đứng đầu với 661 tỉ USD (chiếm 43%), tiếp theo là Trung Quốc ước tính 100 tỉ USD, Pháp 63,9 tỉ USD, Anh 58,3 tỉ USD, Nga 53,3 tỉ USD, Nhật Bản 51,8 tỉ USD. Cũng theo viện nghiên cứu độc lập này, với mức tăng 47 tỉ USD (7,7%) cho ngân sách quốc phòng năm 2009, Mỹ đồng thời là nước đóng góp mức tăng chi tiêu quân sự cao nhất (54%) của thế giới năm 2009.

Có thể nói, trong năm qua, nhiều nước tăng chi tiêu quân sự như biện pháp chống suy thoái và mặc dù không phải lúc nào chi tiêu quân sự cũng chiếm phần quan trọng trong gói biện pháp kích thích kinh tế, song những chi phí này cũng không bị cắt giảm. Con số thống kê nói trên cho thấy đối với các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil, chi phí quân sự là lựa chọn chiến lược dài hạn và vẫn được duy trì thậm chí cả trong giai đoạn khó khăn kinh tế.

Chi phí quân sự của Mỹ, với gánh nặng tài chính khổng lồ cho các chiến dịch tại Iraq và Afghanistan, trên thực tế đã tăng gấp 6 lần so với nước chi tiêu nhiều thứ hai là Trung Quốc, nước xếp trên Pháp, Anh và Nga. Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự toàn cầu trở nên rõ ràng hơn trong một thập kỷ qua. Trong giai đoạn này, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 217% so với mức tăng 76% của Mỹ và mức tăng trung bình 49% trên toàn thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng mạnh tới tài chính công tại nhiều nước, nhất là Nam Âu, và nhiệm vụ khó khăn cắt giảm thâm hụt ngân sách đang gia tăng có thể hạn chế chi phí quân sự trong những năm tới, dù hiện thời nó vẫn nằm ngoài các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của một số nước.

KIẾN HÒA
(Theo Reuters, AP, AFP, The Guardian)

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP, AFP, The Guardian)

Chia sẻ bài viết