15/02/2020 - 20:00

Không khí căng thẳng ở Hội nghị An ninh Munich 

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị an ninh quốc tế Munich thường niên lần thứ 56 tối 14-2, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (ảnh) chỉ rõ Nga, Trung Quốc và Mỹ đã châm ngòi cho bất ổn toàn cầu bằng việc kích động sự tranh giành giữa các cường quốc lớn, qua đó đe dọa một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. 

Hội nghị an ninh Munich diễn ra trong 3 ngày lần này có sự tham gia của gần 30 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế. Trong các vị khách quan trọng quốc tế có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.  Đại diện cấp cao Nga và Trung Quốc tham dự là hai ngoại trưởng Sergei Lavrov và Vương Nghị. Phía Mỹ có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng một số nghị sĩ. Đây là phái đoàn đông đảo nhất của Mỹ tham gia hội nghị được tổ chức từ năm 1963.

3 “ông lớn” làm gì?

Trong thông điệp mở màn khá căng thẳng tại hội nghị an ninh quốc tế, Tổng thống Steinmeier nêu rõ “Nga một lần nữa đã làm thay đổi biên giới tại châu Âu bằng biện pháp chính trị và quân sự”, mà điển hình là hành động sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. 

“Trung Quốc chỉ chấp nhận luật pháp quốc tế một cách có chọn lọc, khi nó không đi ngược lợi ích riêng của họ. Và đồng minh gần gũi nhất của chúng ta, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, dưới chính quyền hiện nay thậm chí đang phủ nhận ý tưởng về cộng đồng quốc tế” - ông Steinmeier giãi bày tiếp. 

Với Trung Quốc, ông Steinmeier lấy ví dụ về lập trường của nước này tại Biển Đông. Với nước Mỹ, vị tổng thống từng làm ngoại trưởng Đức nhắc đến cụm từ “Vĩ đại trở lại” (hàm ý khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump) vốn chỉ phục vụ cho nước Mỹ bất chấp gây tổn hại cho các nước láng giềng và đối tác. “Suy nghĩ và hành động theo cách này (của ông Trump) đang gây tổn hại tất cả chúng ta” – nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh.

Sau khi điểm qua những hành động, lập trường, chính sách của 3 “ông lớn” trên, Tổng thống Steinmeier khẳng định: “Ý tưởng tranh giành của các cường quốc lớn hiện nay đang chi phối không chỉ trong sách trắng chiến lược mà còn thể hiện rõ trên thực tế mới ở khắp thế giới”. Kết cục là thế giới ngày càng mất lòng tin, bất ổn an ninh, vũ khí nhiều hơn và tất cả đều dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. 

Cần công cụ ngoại giao và chính trị

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang ngày một gia tăng trên khắp thế giới, Tổng thống Steinmeier cho rằng nước Đức phải đặt sự gắn kết châu Âu vào trọng tâm chính sách ngoại giao. Ông cho rằng công cụ quân sự là cần thiết cho an ninh châu Âu, song nó không phải là thứ đầu tiên và cũng không hứa hẹn thành công nhất khi hướng đến công cụ ngoại giao và chính trị. 

Vì thế, ông Steinmeier kêu gọi châu Âu cần có chính sách mới cho nước Nga chứ không chỉ hạn chế ở các bài diễn văn chỉ trích và trừng phạt. Châu Âu cũng cần tìm kiếm sự cân bằng quan hệ cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc.  

Để góp phần tăng cường an ninh cho châu Âu và duy trì liên minh gắn kết với Mỹ, Tổng thống Steinmeier cho rằng Đức nên tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng theo quy định của NATO, điều mà Tổng thống Trump nhiều lần đòi hỏi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức lưu ý: “Tăng cường liên minh với Mỹ không nên chỉ được đo bằng euro hay dollar, mà phải từ các cuộc thảo luận thường xuyên, không phá vỡ sự hợp tác mới mang lại hiệu quả tốt”. Với NATO, ông Steinmeier nhấn mạnh “chỉ có đoàn kết chúng ta mới có sức mạnh kinh tế, tiềm lực quân sự và các ý tưởng chính trị cần thiết nhằm bảo vệ trật tự thế giới dựa trên nền tảng luật lệ”. 

Trong bài phát biểu sau đó,  Ngoại trưởng nước nhà Heiko Maas cho rằng châu Âu đã “nhắm mắt quá lâu” trước khi Mỹ rút khỏi các cuộc xung đột quốc tế, để lại những khoảng trống mà giờ đây Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran muốn lấp đầy. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức kêu gọi cần xây dựng một “liên minh an ninh và quốc phòng châu Âu”, coi đây như một trụ cột mạnh mẽ của châu Âu trong NATO. Ông cho rằng Đức cũng như châu Âu cần phải can dự mạnh mẽ hơn trong cuộc xung đột quốc tế, dù là vấn đề Iraq, Libya hay ở Sahel, cũng như tham gia vào các cuộc đàm phán ở New York, Geneva hay Brussels.

Ngoại trưởng Đức nêu rõ hành động quân sự sẽ nổ ra nếu không có ngoại giao và không có chiến lược chính trị rõ ràng, thậm chí còn làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng. Theo ông, đây là nhiệm vụ tạo lập chính sách châu Âu trong thế kỷ 21 và Chính phủ Đức sẵn sàng can dự mạnh mẽ hơn, kể về quân sự trong chính sách này. Cũng theo Ngoại trưởng Maas, Đức ủng hộ lời kêu gọi của Pháp tiến hành đối thoại chiến lược về vũ khí hạt nhân vốn được Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra mới đây.

Hội nghị an ninh Munich năm nay được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nóng bỏng toàn cầu, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran, xung đột giữa Israel và Palestine, các cuộc xung đột tại Libya, Syria, vấn đề về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015; cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2… Sự bùng phát của dịch COVID-19 cũng là nội dung trọng tâm của hội nghị, đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu đối với chính sách an ninh và những điểm tương đồng giữa thương mại, phát triển công nghệ và an ninh quốc tế.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết