22/04/2008 - 10:01

Khởi động thành lập liên minh xuất khẩu gạo

Việc thành lập liên minh xuất khẩu gạo hy vọng sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người nông dân.

Cuối tuần này, các quan chức thương mại Thái Lan sẽ bắt đầu thảo luận với các đối tác Ấn Độ và Việt Nam về việc thành lập liên minh xuất khẩu gạo, một tổ chức giống như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhằm đảm bảo lợi ích cho người nông dân, cũng như giữ giá gạo hợp lý trên thị trường thế giới.

Giá gạo tăng cao đang mang lại nguồn thu lớn cho các nước xuất khẩu. Giá gạo theo hợp đồng giao tháng 5 tại thị trường Chicago (Mỹ) đã tăng lên mức kỷ lục 24,23 USD/bao 45kg so với mức 10,08 USD năm ngoái. Gạo trắng 100% B của Thái Lan (được xem là chuẩn) hồi tuần rồi cũng lên tới 950 USD/tấn, gấp 3 lần so với đầu năm 2007, trong khi gạo Việt Nam được chào bán với giá 1.200 USD/tấn. Với mức giá cao như vậy, quý 1 năm nay, Việt Nam đã thu về 366 triệu USD (tăng gần 43% so với cùng kỳ) từ việc xuất khẩu 859.000 tấn gạo. Thái Lan dự kiến xuất 8,75-9 triệu tấn gạo trong năm nay, đạt kim ngạch 4,7 tỉ USD. Trong 3 tháng đầu năm, Thái Lan đã xuất 3,26 triệu tấn gạo, tăng 66% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, điều kiện sống của nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt gạo, vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý thị trường nông sản không có tính hệ thống, trong khi đặc tính của sản xuất nông nghiệp là diễn biến rất bất thường, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó đoán định như thời tiết, nhu cầu thị trường, chi phí phân bón... Ba nước hiện cung cấp hơn 60% lượng gạo xuất khẩu thế giới là Thái Lan (31,4%), Ấn Độ (16%) và Việt Nam (14%) đều có tỷ lệ cao dân số sống dựa vào nông nghiệp. Do vậy, Thái Lan hy vọng việc thành lập liên minh gạo có thể ổn định giá trên thị trường thế giới, tránh tình trạng lên quá cao hay xuống quá thấp. Từ đó, nông dân có thể nhận được những dự báo có tính hệ thống về giá cả để họ an tâm sản xuất. Mặc dù hiện nay giá gạo tăng rất cao, nhưng thực chất chỉ có lợi cho các nhà xay xát hoặc các nhà đầu cơ thu mua lúa của nông dân ngay từ đầu vụ. Nhiều nông dân dù biết giá gạo có thể tăng cao hơn, nhưng cũng không còn gạo để bán. Ngoài ra, liên minh còn hỗ trợ nông dân kỹ thuật nâng cao năng suất.

Thật ra, ý tưởng thành lập một liên minh tạm gọi là Tổ chức các nước xuất khẩu gạo (OREC) đã được đưa ra khi giá gạo giảm mạnh vào năm 2002, nhưng chỉ có Việt Nam và Thái Lan hợp tác trao đổi thông tin nhằm tránh bán gạo giá thấp. Vào thời điểm đó, các nước như Ấn Độ và Pakistan không quan tâm lắm đến ý tưởng này, vì ưu tiên của chính phủ là cung cấp cho thị trường trong nước chứ không phải xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một khi thị trường thế giới “hắt hơi” thì bất kỳ quốc gia nào cũng khó tránh khỏi “sổ mũi”. Do vậy, lần này ý tưởng về OREC có cơ may trở thành hiện thực.

N.MINH

Chia sẻ bài viết