11/07/2021 - 08:34

Khoảng cách số tại Ấn Ðộ 

Thế là đã hơn một năm kể từ khi các trường học trên khắp Ấn Ðộ buộc phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Không chỉ tô đậm khoảng cách giàu - nghèo, đại dịch còn nới rộng khoảng cách số tại quốc gia Nam Á đông dân thứ hai thế giới. Chính việc thiếu điện thoại thông minh, chi phí dữ liệu cao, sự hạn chế hiểu biết về công nghệ, kết nối di động kém, tệ nạn xã hội… khiến cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều học sinh Ấn Ðộ cùng học trực tuyến với một chiếc điện thoại thông minh. Ảnh: Times of India

Tại Raipur, thủ phủ bang Chhattisgarh, Lakshmi Sahu và chồng là Purushottam Sahu mỗi tháng chỉ kiếm được 5.400 Rupee. Trong khi  Lakshmi giúp việc cho một gia đình, Purushottam làm thuê tại một cửa hàng bách hóa. Tháng rồi, họ phải bấm bụng bỏ ra 14.000 Rupee để mua chiếc điện thoại thông minh cho cậu con trai 12 tuổi đang theo học tại một trường tư thục. “Chúng tôi đã phải vay tiền mua điện thoại cho con vì không muốn con bỏ lỡ việc học” - Lakshmi cho biết.

Gánh nặng càng chất chồng khi gia đình người mẹ 32 tuổi này phải bỏ số tiền không nhỏ để mua gói cước dữ liệu di động hàng tháng. “Có ngày, chúng tôi không còn tiền để mua đồ dùng. Thật tình là tôi không biết làm sao để mua gói dữ liệu cho con” - Lakshmi bùi ngùi nói.

Kiến thức về công nghệ cũng là rào cản đối với cả phụ huynh và học sinh bởi hầu hết các em từ lâu chỉ dùng các loại điện thoại cơ bản. Báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs tiết lộ, chỉ 42% tổng số chủ sở hữu điện thoại di động ở Ấn Ðộ trong năm 2020 có điện thoại thông minh. Tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm mạnh do thu nhập giảm vì COVID-19.

Trong khi đó, khảo sát được thực hiện hồi tháng 10 năm ngoái trên 118.838 hộ gia đình Ấn Ðộ phát hiện, khoảng 13% trong số những người không có điện thoại thông minh cho biết con cái của họ “xài ké” điện thoại của người khác.

Theo Urmila Chowdhury, Giám đốc Peepul India - tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - chính khoảng cách số nói trên cản trở tương lai của những đứa trẻ không được tiếp cận việc học trực tuyến, qua đó kêu gọi chính quyền địa phương cũng như các tổ chức phi chính phủ chung tay giải quyết. Hiện Peepul India đang hợp tác với các trường thuộc chính quyền thành phố Nam Delhi để mang đến các khóa học trực tuyến cho học sinh trung học cơ sở, đồng thời hướng dẫn các bậc phụ huynh cách sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Bên cạnh đó, kết nối di động là vấn đề lớn khác cản trở việc học của trẻ em Ấn Ðộ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Tại một số khu vực, kết nối mạng yếu đến nỗi các em không thể thực hiện được cuộc gọi, trong bối cảnh các em cần có kết nối Internet tốc độ cao để có thể tham gia các khóa học trực tuyến. “Học sinh đăng xuất khi kết nối bị gián đoạn hoặc gói dữ liệu hết hạn. Các em mất hứng thú với việc học trực tuyến và không nhận cuộc gọi từ chúng tôi” - giáo viên Sonam Gyaltsan cho biết. Thậm chí, tại huyện Wayanad (bang Kerala), các em học sinh dân tộc thiểu số đã hoàn toàn mất liên lạc với giáo viên sau đại dịch COVID-19.

Tại Ấn Ðộ, nơi mà trẻ em gái thường bị coi là “gánh nặng” và học tập được xem là giấc mơ, những rào cản mới xuất hiện càng làm gia tăng thách thức đối với các em. Tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và thiếu nguồn lực đã khiến cho việc học tập của các cô gái trẻ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Một số em thậm chí bị buộc thôi học để lấy chồng. Shila Bai, người đang phải chịu áp lực gả con sớm, nói rằng chồng chị cho rằng việc mua một chiếc điện thoại mới sẽ khiến cô con gái đi vào “con đường sai lầm”, bởi “việc dạy học là của giáo viên chứ không phải của điện thoại”.

Trong khi các bé gái chịu áp lực kết hôn sớm, việc thiếu nguồn lực đang buộc các bé trai phải nghỉ học đi làm thuê. Ðơn cử như trường hợp của Mohit sinh sống tại huyện Karauli (bang Rajasthan). Cậu bé 15 tuổi này hiện đang làm thuê tại một trang trại trồng hành để kiếm sống. Mohit cho rằng nếu có một chiếc điện thoại thông minh thì có lẽ cậu không phải bươn chải sớm như vậy.

TRÍ VĂN (Theo Times of India)

Chia sẻ bài viết