|
Khói bốc lên tại Vùng Xanh sau các vụ tấn công bằng rocket và đạn pháo ngày 23-3. Ảnh: Reuters |
Khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất Iraq - Vùng Xanh không còn là nơi bình yên của các quan chức nước ngoài và chính quyền Iraq. Sáng 23-3, hàng loạt quả rocket và đạn pháo đã bay tới tấp vào khu vực này làm ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Các chỉ huy quân đội Mỹ từng cảnh báo về việc phe nổi dậy tăng cường gây bất ổn ở Thủ đô Baghdad, nhưng với ít nhất 3 loạt đạn pháo và rocket bắn vào Vùng Xanh trong một ngày là điều bất thường.
Sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, một khu vực khoảng 10 km2 ở trung tâm Baghdad được dành làm nơi ở và làm việc của chính quyền lâm thời Iraq, được gọi là Khu vực Quốc tế. Nhưng khái niệm Vùng Xanh được sử dụng phổ biến hơn, nhằm phân biệt với Vùng Đỏ (chỉ những khu vực kém an ninh). Khu vực này được bao bọc bằng các bức tường bê tông cao, rào kẽm gai, hào lũy và nhiều trạm kiểm soát. Bảo vệ các trạm kiểm soát là binh sĩ Mỹ, Gruzia, Peru cùng quân đội và cảnh sát Iraq. Trực chiến trong Vùng Xanh là các xe tăng M1 Abram, chiến xa Bradley và xe bọc thép vũ trang Humvee.
Từ khi Mỹ chuyển giao quyền lực cho người Iraq, nhiều trụ sở ở Vùng Xanh được trao cho chính quyền mới, nhưng vẫn là nơi đặt đại sứ quán Mỹ, Anh và lực lượng liên quân, là nơi ở của các nhà thầu quân sự phương Tây. Tòa đại sứ Mỹ ở đây có 1.500 người làm việc (đông nhất thế giới) và các quan chức Mỹ hiếm khi ra khỏi Vùng Xanh. Do vậy, đối với các nhà lãnh đạo Mỹ đến thăm Iraq, những con đường tương đối yên tĩnh ở Vùng Xanh là những gì họ thấy tại quốc gia vùng Vịnh này, trong khi với người Iraq, nơi đó có thể là một thế giới khác.
Vùng Xanh từng là mục tiêu tấn công bằng rocket, nhưng đã giảm hẳn từ khi lực lượng Quân đội Mehdi của giáo chủ dòng Shiite Moqtada al-Sadr ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ hồi năm ngoái. Tuy chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công mới xảy ra, nhưng mọi hoài nghi đều dồn về lực lượng Quân đội Mehdi bởi có nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy thỏa thuận ngừng bắn đang bị phá vỡ. Tuần rồi, Quân đội Mehdi đã chạm trán với các lực lượng Iraq và Mỹ ở thành phố Kut và phía Nam Baghdad.
Các quan chức Mỹ mới đây nói rằng tình trạng bạo lực ở Iraq đã giảm 60% kể từ khi Washington điều thêm 30.000 quân tới đây hồi đầu năm ngoái. Nhưng thực tế thì lại khác. Số lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq cũng không ngừng gia tăng. Trước khi Vùng Xanh, vốn được xem là “bất khả xâm phạm” bị tấn công, một vụ đánh bom vệ đường ở phía Bắc Baghdad đã giết chết 3 binh sĩ Mỹ, nâng số lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq lên 4.000 người.
N.MINH
(Theo BBC, AFP, Washingtonpost)