27/10/2009 - 10:08

Khi Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Iran

 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: ZeitOnline.

Ngay sau khi kết thúc chuyến công du Pakistan, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và phái đoàn khoảng 200 quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu tới Tehran ngày hôm qua (26-10). Theo các nguồn tin từ Iran, chuyến thăm chính thức Iran hai ngày của phái đoàn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lần này là cơ hội để hai bên mở rộng các mối quan hệ chiến lược trên nhiều lĩnh vực.

Tiếp đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran Salim Kara Othman ngày 25-10, Phó Tổng thống Thứ nhất của Iran, ông Mohammad Reza Rahimi, nhấn mạnh rằng các mối quan hệ giữa hai nước không có giới hạn lĩnh vực và mức độ hợp tác. Theo ông Rahimi, hai quốc gia láng giềng này nếu biết tận dụng lợi thế của nhau thì có thể nâng kim ngạch thương mại song phương từ gần 9 tỉ USD năm 2008 lên 20 tỉ USD vào năm 2011. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Thủ tướng Erdogan trong chuyến thăm Iran lần này.

Theo các nhà phân tích, Iran là thị trường xuất khẩu hàng hóa đầy tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ, và ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ rất cần nguồn cung cấp khí đốt từ Iran. Iran đang là nhà cung ứng khí đốt lớn thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ đứng sau Nga. Lượng khí đốt từ Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng mạnh nếu Ankara chấp nhận dự án đầu tư trị giá 3,5 tỉ USD vào mỏ khí đốt South Pars với năng suất hàng năm lên tới 20,4 tỉ mét khối và đồng thời thực hiện kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí dài 1.800 km từ Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà phân tích cho rằng hiện nay Ankara còn đang do dự đầu tư phát triển khí đốt ở Iran vì những sức ép chính trị của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và cả
Israel. Mỹ là đồng minh chiến lược và là nước viện trợ tài chính lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng không muốn làm mất lòng EU với hy vọng được gia nhập vào khối này. Israel, vốn được coi là kẻ thù của Iran, thì có quan hệ liên minh chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, quan hệ chính trị giữa Ankara và Tel Aviv thời gian qua hục hặc, cùng với đó là tiếng nói phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU ngày càng lớn, đặc biệt là từ phía Pháp. Một cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người dân Thổ Nhĩ Kỳ không còn mong ước được gia nhập EU.

Trong khi quan hệ với Israel và EU ngày càng lạnh nhạt, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xích lại gần với Iran. Thủ tướng Erdogan và Tổng thống Abdullah Gul của Thổ Nhĩ Kỳ là hai trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện thoại chúc mừng ông Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử tổng thống Iran, bất chấp kết quả bầu cử gây nhiều tranh cãi và thậm chí gây bạo loạn đẫm máu trên đường phố. Ông Erdogan cũng tin rằng Iran đang phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, chứ không có tham vọng chế tạo vũ khí hủy diệt như cáo buộc của Mỹ, Israel và EU. Trả lời báo The Guardian của Anh, ông Erdogan tuyên bố Iran là bạn của Ankara.

Rõ ràng chính sách mới của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây khó chịu Israel và phương Tây. Quốc gia Hồi giáo ôn hòa và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này có vai trò địa chính trị và chiến lược rất quan trọng. Nằm ở khu vực Biển Đen và Caspie, Thổ Nhĩ Kỳ là trạm trung chuyển năng lượng, đặc biệt là khí đốt thiên nhiên, đi từ Nga, Trung Á, Iraq và sắp tới là Iran, để đến thị trường châu Âu. Chính vai trò và vị thế “đắt địa” đó mà Mỹ và đồng minh EU không muốn “vuột mất” Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Jerusalem Post của Israel mới đây cho biết các quan chức ngoại giao Mỹ đã hối thúc Ankara cải thiện quan hệ với Tel Aviv. Dự kiến, vào ngày 29-10 tới, ông Erdogan sẽ sang thăm Mỹ. Theo các nhà phân tích, chuyến đi Iran của ông là một thông điệp gửi tới lãnh đạo Mỹ và các nước đồng minh rằng Ankara không dễ bị o ép.

KIẾN HÒA
(Theo Tehrantimes, The Guardian, ANI, FNA, Le Monde)

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: ZeitOnline.

Chia sẻ bài viết