Hôm qua 13-9, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thuộc đảng trung hữu Tự do và Dân chủ (VVD) cầm quyền đã tuyên bố giành thắng lợi một cách vang dội chưa từng có trong cuộc tuyển cử trước thời hạn một ngày trước đó. Đối thủ lớn nhất của ông trong cuộc bầu cử vừa qua và cũng là đối tác chính trị quan trọng nhất Diederik Samsom thuộc Công đảng đã thừa nhận thất bại.
Đảng bảo thủ của ông Rutte sẽ giữ 41 ghế, hơn 2 ghế so với đối tác trung tả trong quốc hội 150 thành viên. Đảng trung tả Dân chủ Thiên chúa giáo hùng mạnh một thời, đối tác thứ ba của VVD, chỉ giành được 15 ghế. Ba chính đảng này đều ủng hộ việc cứu trợ cho các nước Nam Âu vượt qua khủng hoảng công nợ trước nguy cơ tan rã Khu vực đồng euro (Eurozone). Đảng Xã hội cánh tả chủ trương phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” vẫn chỉ được 15 ghế và đảng Tự do theo đường lối cực hữu, bài ngoại mất 6 ghế, còn lại 16 ghế...
Với kết quả nằm ngoài sự mong đợi trong cuộc tổng tuyển cử được ví như là “cuộc trưng cầu dân ý” về cam kết của Hà Lan trong cuộc chiến đẩy lùi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất ở Eurozone, ông Rutte sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai và dễ dàng thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực mới. Phát biểu trước những người ủng hộ mừng chiến thắng tại thành phố Amsterdam, nhà lãnh đạo 45 tuổi này tuyên bố đây là một động lực mạnh mẽ để chính phủ của ông thực hiện các chương trình hành động đã vạch sẵn cho đất nước.
Giới phân tích cho rằng chiến thắng tưng bừng của liên minh cầm quyền đã thể hiện niềm tin mới của công chúng Hà Lan vào sự tồn tại và đi lên của khối đồng euro. Trước Hà Lan, người dân Hy Lạp cũng đã bỏ phiếu ủng hộ chính sách “thắt hầu bao” nhằm không để đất nước ra khỏi Eurozone với những hệ lụy khó lường.
Có điều, cuộc bầu cử sớm ở Hà Lan diễn ra trong bầu không khí lạc quan hơn đối với tương lai của Eurozone khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định sẽ in tiền thu mua không hạn chế trái phiếu chính phủ của Liên minh châu Âu (EU). Đây là động thái gây nhiều tranh cãi nhưng nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước Eurozone và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đổi lại, Ủy ban châu Âu (EC) hậu thuẫn để ECB không chỉ giám sát một số ngân hàng châu Âu đã xin cứu trợ, mà có thể toàn bộ 6.000 ngân hàng ở Cựu lục địa. Chủ tịch EC Manuel Barroso còn tuyên bố EU cần xây dựng một “liên bang các quốc gia dân chủ châu Âu” nhằm đưa ra các biện pháp giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tiềm ẩn trong tương lai. Ông cho rằng đó không phải là một “siêu nhà nước”, mà là hình thức “chia sẻ chủ quyền mà ở đó mỗi nước thành viên và công dân của họ được trang bị tốt hơn để kiểm soát số phận của mình”.
Tại Đức, Tòa án Hiến pháp Liên bang hôm 12-9 cũng đã đưa ra phán quyết cho rằng việc chính quyền nữ Thủ tướng Angela Markel tham gia Quỹ cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỉ euro có hiệu lực vào tháng 10 tới là không vi hiến như phần lớn dư luận nước này đang nghĩ. Dân chúng Đức phản đối ESM vì nhà nước của họ phải đóng góp tới 190 tỉ euro. Tuy nhiên, là nền kinh tế lớn nhất, đầu tàu của cả châu Âu, nước Đức phải tiên phong, có trách nhiệm lớn trong nỗ lực chung của cả khối nhằm giải cứu Eurozone thoát khỏi “vũng lầy” nợ công.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)