08/06/2008 - 09:26

Khát vọng mỏi mòn!

Cùng với cả nước, thị trấn Rosh Haayin ở miền Trung Israel tháng qua đã tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, cách thị trấn này độ vài trăm mét, trung tâm huyện Kufr Qassem lại rất im lìm như chẳng biết đến sự kiện trọng đại của đất nước. 20.000 người ở đây là công dân Israel hẳn hoi, nhưng gốc Palestine. Umm Ziad, chủ cửa hàng sách ở Kufr Qassem, bộc bạch: ngày lập quốc Do Thái chẳng có ý nghĩa chi cả vì đất nước này không phải là tổ quốc của tôi.

 Người Israel gốc A-rập biểu tình kêu gọi chính phủ thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Ảnh: AFP 
Nhiều người cho rằng thái độ khác biệt giữa người dân ở Rosh Haayin và Kufr Qassem đã phản ánh đúng thực tế quan hệ phức tạp lâu nay giữa Israel và Palestine. Thực ra, không phải người A-rập tại Israel không có tình cảm với nơi mình đã và đang sinh sống mà vấn đề là do bị phân biệt đối xử suốt nhiều thập niên qua nên họ cảm thấy mình không khác nào “công dân loại 2” đứng bên lề đất nước. Người A-rập chiếm 1/5 trên tổng số 7,25 triệu dân Israel dù sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này vẫn xác định mình là người Palestine định cư tại Israel.

Theo Ahmed Tibi, nghị sĩ gốc A-rập trong Quốc hội Israel, người A-rập tại Israel bị đối xử bất công trong mọi lĩnh vực đời sống. Ông cho biết ngân sách phát triển của nhà nước dành cho cộng đồng người A-rập chỉ chiếm 4%. Bởi vậy huyện Kufr Qassem dù nằm gần Thủ đô Tel Aviv và đã nhiều năm kêu gọi chính phủ đầu tư một khu công nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân nhưng đến nay vẫn hoài công. “Người dân nơi đây, từ thế hệ này sang thế hệ khác, không có hy vọng về một tương lai tươi sáng. Đó là một thực tế rất nguy hiểm. Bởi nếu bạn no đủ và sống cạnh một người đói khổ, hôm nay anh ta có thể không gây tổn hại cho bạn nhưng chắc gì ngày mai”, huyện trưởng Sami Issa bày tỏ. Cộng đồng người A-rập không được tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn và thu nhập cũng ít ỏi hơn so với người Do Thái. Những cuộc hôn nhân giữa người Do Thái và A-rập dù được tác thành ở một số địa phương nhưng nhìn chung vẫn là vấn đề nhạy cảm, cấm kỵ.

Người Palestine sinh sống tại Israel đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh của nhà nước Do Thái trong thế giới A-rập. Việc họ định cư tại Israel là bằng chứng cho thấy “đất lành, chim đậu”. Tuy nhiên, việc họ thường xuyên xuống đường biểu tình, đụng độ với cảnh sát để bày tỏ sự bất mãn do bị đối xử bất bình đẳng là điều đáng báo động. Tình trạng này ít nhiều tác động đến cộng đồng người Palestine sống lưu vong trên khắp thế giới kể từ ngày nhà nước Israel ra đời. Hàng trăm ngàn người Palestine đã rời bỏ quê hương năm 1948 và nếu bao gồm các thế hệ con cháu của họ ngày nay thì có khoảng 4,5 triệu người Palestine đang sống tha hương.

Dư luận cho rằng cộng đồng người Palestine lưu vong, kể cả tại Israel, do đã “an cư lạc nghiệp” nên cũng không muốn hồi hương. Họ chỉ mong chờ ngày ra đời nhà nước Palestine độc lập và sống trong hòa bình để có cơ hội về thăm cố hương. Tổ quốc chưa hình thành là một nỗi xót xa khôn nguôi đối với họ. Và khi khát vọng mỏi mòn, trong lòng luôn cảm thấy cuộc sống bất công, nên việc người A-rập ở Israel xem ngày lập quốc Do Thái là “ngày thảm họa” cũng là điều dễ hiểu.

PHÚC NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết