23/01/2018 - 22:26

Jerusalem chia rẽ Mỹ và châu Âu 

Tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 22-1 rằng, Washington cuối năm 2019 sẽ dời đại sứ quán ở Israel đến Jerusalem nhận được hoan nghênh từ Tel Aviv, nhưng đồng thời đẩy Palestine xích lại gần các đồng minh của Washington tại châu Âu.

Phó Tổng thống Pence (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Sky News

Sau những trở ngại trong việc bảo vệ quyết định của Washington về việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel khi thăm Jordan và Ai Cập, Phó Tổng thống Mỹ trước Quốc hội Israel đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt khi lần nữa xác định “Jerusalem là thủ đô của Israel” và rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao chuẩn bị dời đại sứ quán từ Tel Aviv đến thánh địa này. Theo Phó Tổng thống Pence, kế hoạch được thực hiện “vì lợi ích tốt nhất” đối với tiến trình hòa bình Trung Đông và đại sứ quán Mỹ ở đây dự kiến sẽ mở cửa trước cuối năm tới. Dựa trên thông tin được đưa ra, nhiều người dự đoán Washington có thể cải tạo lãnh sự quán Mỹ gần Tây Jerusalem để thay thế đại sứ quán hiện nay ở Tel Aviv.

Tuyên bố này trái ngược với thông tin Nhà Trắng công bố gần đây. Hồi tháng 12-2017, Tổng thống Trump có quyết định gây tranh cãi khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và đề ra kế hoạch dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến khu vực nói trên. Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó được chỉ đạo tìm kiếm địa điểm xây dựng đại sứ quán mới, nhưng ông Trump gần đây khẳng định không có chuyện tiến trình này hoàn thành trong một năm. Theo Ngoại trưởng Rex Tillerson, để việc di dời đáp ứng yêu cầu an ninh cần tiêu tốn thời gian không dưới 3 năm với kinh phí từ 600 triệu đến 1 tỉ USD.

Tuy không rõ lý do khung thời gian đột ngột thay đổi và tại sao thông báo này lại do Phó Tổng thống Mỹ công bố thay vì Ngoại trưởng Tillerson, nhưng giới quan sát nhận định việc đẩy nhanh tốc độ di dời đại sứ quán là tín hiệu cho thấy Nhà Trắng có thể sẽ bỏ qua lời kêu gọi từ các đồng minh A-rập về cách tiếp cận chừng mực đối với “điểm nóng” khu vực. Cũng có ý kiến nhận định Washington đang nỗ lực nối lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là Hanan Ashrawi, Mỹ không thể nói về tiến trình hòa bình Trung Đông sau khi làm suy giảm cơ hội giải quyết xung đột bằng tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel. Bà Ashrawi cho rằng, ví động thái thăm dò của Phó Tổng thống Pence với mục tiêu hỗ trợ tiến trình hòa bình là điều hết sức “vô lý”.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lên đường sang Brussels để kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) công nhận nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967 (bao gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza). Theo giới quan sát, sự hiện diện của ông Abbas tại trụ sở EU được xem là “cơ hội” để các quan chức châu Âu biểu hiện sự phản đối liên quan quyết định của Tổng thống Trump. Trong tuyên bố được cho ám chỉ lãnh đạo Mỹ, đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tại cuộc họp báo chung kêu gọi các bên liên quan tiến trình hòa bình Trung Đông nên phát ngôn và hành động “khôn ngoan” với tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, bà Mogherini tái khẳng định cam kết của EU giải quyết xung đột Israel-Palestine bằng giải pháp hai nhà nước với Jerusalem là thủ đô chung.

Trong số các nước châu Âu hiện nay, Thụy Điển từ năm 2014 đã chính thức công nhận nhà nước Palestine, trong khi các nguồn tin cho hay Slovenia chuẩn bị công nhận nhà nước Palestine vào tháng sau. Các cuộc tranh luận cũng đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác bao gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Bỉ và Luxembourg.

 MAI QUYÊN (Theo Reuters) 

Chia sẻ bài viết