29/10/2010 - 22:03

Ít hay nhiều?

Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng ngày 28-10 cho biết tổng chi tiêu ngân sách của tất cả 16 cơ quan tình báo của Mỹ trong tài khóa 2010 vừa kết thúc hồi cuối tháng 9 vừa qua là 80,1 tỉ USD, trong đó các cơ quan tình báo dân sự chiếm 53,1 tỉ USD và quân sự 27 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên trong 12 năm qua, chính phủ Mỹ mới công bố khoản chi ngân sách của ngành tình báo quốc gia.

Năm ngoái, khi đứng trước sức ép phải công khai giải trình “bí mật ngân sách tình báo” trước quốc hội Mỹ, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Dennis Blair chỉ “báo cáo miệng” rằng ngân sách tình báo của nước này trong tài khóa 2009 khoảng 75 tỉ USD, trong đó tình báo dân sự chiếm 49,5 tỉ USD. Nhưng khi được Tổng thống Barack Obama chỉ định thay thế ông Dennis Blair hồi tháng 7-2010, tân Giám đốc Tình báo Quốc gia James R. Clapper đã hối thúc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho phép cơ quan này “bật mí” ngân sách của ngành tình báo, kể cả tình báo quân sự.

Thế thì số tiền mới công bố nói trên là nhiều hay ít, có làm dư luận Mỹ giật mình hay không?

Có người cho rằng ngân sách ngành tình báo Mỹ “không đáng là bao” vì nó chỉ chiếm khoảng 12% ngân sách quốc phòng trị giá 664 tỉ USD của Lầu Năm Góc, hay bằng 1/10 so với chương trình kích thích kinh tế trị giá 814 tỉ USD của chính phủ. Tuy nhiên, theo bà Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, số tiền chi tiêu cho ngân sách tình báo như vậy đã vượt qua mức giới hạn không thể chấp nhận được nếu so sánh với cách đây hơn một thập niên, đặc biệt là trong tình hình tài chính và kinh tế bê bết hiện nay của đất nước.

Quả thật, nếu so sánh với ngân sách tình báo được công bố năm 1997 và 1998 lần lượt là 26,6 tỉ USD và 26,7 tỉ USD, thì ngân sách tình báo năm 2010 của Mỹ tăng gấp 3 lần. Trong khi đó, ngân sách của Bộ An ninh Nội địa Mỹ chỉ có 42,6 tỉ USD và Bộ Ngoại giao 48,9 tỉ USD. Số tiền của ngành tình báo Mỹ cũng lớn hơn ngân sách quốc phòng của cường quốc quân sự Nga.

Do nghi ngờ ngân sách của ngành tình báo quốc gia “phình” quá to, nên Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Silvestre Reyes tuyên bố rằng ông sẽ nỗ lực rà soát lại nhằm loại bỏ những khoản chi “lãng phí, gian lận và thiếu trách nhiệm đối với người đóng thuế Mỹ”. Còn bà Feinstein thì nhấn mạnh “sẽ làm rõ để xác định và cắt hầu bao bất kỳ những hoạt động lãng phí và tăng chi nhanh không cần thiết của ngành tình báo”.

Phát biểu của bà Feinstein và ông Reyes, theo các nhà phân tích, là một thông điệp gởi đến ngành tình báo quốc gia sau khi tờ Washington Post hồi tháng 7-2010 công bố một cuộc điều tra phê phán rằng bộ máy tình báo Mỹ sau sự kiện ngày 11-9-2001 quá tốn kém nhưng hết sức bí mật, cồng kềnh, phức tạp, chồng chéo và thiếu hiệu quả. Chẳng hạn về bộ máy, Washington Post cho biết mặc dù số nhân viên tình báo của chính phủ lên đến 589.000 người, nhưng ngành này vẫn thuê thêm 265.000 nhân viên tình báo tư nhân vốn có mức chi trả lương cao hơn. Ví dụ, theo một cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ năm 2008, nhân viên của các nhà thầu tình báo tư nhân chiếm 29% lực lượng lao động của các cơ quan tình báo nước này, nhưng đã ngốn hết 49% ngân sách của toàn ngành mà cũng chẳng làm cho nước Mỹ có thể trở nên an toàn hơn. Bằng chứng là một loạt âm mưu tấn công khủng bố suýt nổ ra tại Mỹ trong vài năm gần đây cho thấy ngành tình báo Mỹ có nhiều lỗ hổng chết người.

PHÚC GIA AN (Theo AP, Washington Post và AFP)

PHÚC GIA AN (Theo AP, Washington Post và AFP)

Chia sẻ bài viết