07/04/2019 - 17:08

Iraq trong vòng tay các cường quốc 

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei trong buổi tiếp Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi hôm 6-4 đã giục Baghdad nhanh chóng đuổi quân Mỹ về nước. “Bạn phải bảo đảm rằng Mỹ rút binh sĩ khỏi Iraq càng sớm càng tốt bởi việc trục xuất sẽ trở nên khó khăn khi họ đã có sự hiện diện lâu dài ở một quốc gia”, ông Khamenei cảnh báo. Trong chuyến công du của Thủ tướng Mahdi, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện và khí đốt, đưa kim ngạch thương mại song phương từ 12 tỉ USD hiện nay lên 20 tỉ USD trong vài năm tới. Từng đánh nhau dữ dội trong cuộc chiến 1980-1988 nhưng hiện nhiều nhà lãnh đạo dòng Shiite ở Iraq có mối quan hệ mật thiết với Iran, cường quốc Hồi giáo dòng Shiite.

Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei (phải) tiếp Thủ tướng Iraq Mahdi. Ảnh: AFP

Mỹ và Iran đã quyết liệt tranh giành ảnh hưởng tại Iraq kể từ năm 2003 khi liên minh quốc tế do Washington đứng đầu lật đổ Tổng thống Saddam Hussein - kẻ thù của cả hai. Bên cạnh đó, Iran còn phải đấu với Saudi Arabia, cường quốc Hồi giáo dòng Sunni và là đồng minh thân cận của Mỹ.

Hồi tháng rồi, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có chuyến thăm lịch sử tới Baghdad, một phần được cho là nhằm đáp trả việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ thăm lính Mỹ ở Iraq hồi cuối tháng 12 năm ngoái và nhắn nhủ rằng họ sẽ tiếp tục ở lại Iraq để “canh chừng” quốc gia láng giềng Iran. Tại đây, ông Rouhani  “đá xéo” ông Trump không dám “đường đường chính chính” công du Iraq, và chuyến thăm chớp nhoáng trong đêm chứng tỏ Washington thua cuộc. Tổng thống Trump là người đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc lên Tehran. Mỹ hiện còn hơn 5.000 binh sĩ ở Iraq và Lầu Năm Góc hồi tuần rồi cáo buộc các nhóm do Iran hậu thuẫn đã sát hại tổng cộng hơn 600 binh sĩ Mỹ ở Iraq trong giai đoạn 2003-2011.

Trong khi đó, Saudi Arabia cũng nỗ lực tạo thế cân bằng với Iran trong quan hệ với Iraq. Một ngày trước khi Thủ tướng Mahdi tới Tehran, Saudi Arabia đã mở lại lãnh sự quán tại Baghdad sau gần 3 thập niên ngừng hoạt động, đồng thời cam kết viện trợ cho Iraq 1,5 tỉ USD. Chưa hết, Riyadh sẽ xây tặng Baghdad một sân vận động có sức chứa 100.000 người. Saudi Arabia cho biết sẽ mở thêm 3 lãnh sự quán nữa tại các thành phố của Iraq.

Lãnh đạo Iraq dĩ nhiên hiểu được vị trí của mình trong chiến lược của các cường quốc và trước mắt chưa ngả hẳn về bên nào. Như để tạo sự cân bằng, Thủ tướng Mahdi dự kiến sẽ công du Saudi Arabia vào cuối tháng này và cũng đã nhận lời sang thăm Nhà Trắng. Thực tế là Iraq rất cần viện trợ của Mỹ và vốn đầu tư từ Saudi Arabia để phát triển kinh tế. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Iraq cần 88 tỉ USD để tái thiết sau chiến dịch truy quét tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết