01/07/2018 - 18:53

Iran tố Mỹ âm mưu thay đổi chế độ 

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các sĩ quan thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng hôm 30-6, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (ảnh) cáo buộc việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Tehran là nhằm mục đích khiến người dân nước này nổi dậy chống lại chính phủ. Tuy nhiên, ông cho rằng  âm mưu này sẽ thất bại, bởi “6 đời tổng thống Mỹ trước đó từng làm và đều phải bỏ cuộc”.

Thật ra, Washington lâu nay vẫn úp mở về khả năng thay đổi chế độ tại Tehran.

Rudy Giuliani, nhân vật thân cận và là luật sư riêng của Tổng thống Trump, khi phát biểu tại hội nghị của nhóm lưu vong Hội đồng kháng chiến quốc gia Iran (NCRI) cuối tuần rồi đã tái khẳng định lập trường này. “Bây giờ chúng ta thực tế có thể thấy sự kết thúc của chế độ ở Iran”, cựu thị trưởng New York nói khi đề cập các cuộc biểu tình rầm rộ gần đây ở Iran do đồng nội tệ sụp đổ. Theo Reuters, kể từ khi ông Trump hồi đầu tháng 5 tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nhóm cường quốc P5+1 ký với Iran năm 2015, đồng rial đã mất giá tới 40%.

Còn tại hội nghị NCRI hồi năm ngoái, John Bolton, người được bổ nhiệm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tháng 4 năm nay, từng khẳng định: “Mục tiêu của chúng ta là thay đổi chế độ ở Iran” và thậm chí nói chắc rằng NCRI sẽ lãnh đạo Iran trước năm 2019.

Sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Washington hiện đang tiến hành chiến dịch gây “áp lực tối đa” đối với Tehran. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đe dọa sẽ trừng phạt những quốc gia nào tiếp tục mua dầu của Iran sau ngày 4-11 tới. Đây là đòn hiểm bởi ngân sách Iran dựa chủ yếu vào nguồn thu từ dầu khí. Năm ngoái, xuất khẩu dầu và các sản phẩm hóa dầu mang về 70 tỉ USD, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Cộng hòa Hồi giáo.

Song song đó, Mỹ cũng giục đồng minh Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tăng sản lượng để khiến Iran vừa khó bán dầu mà giá lại giảm. Viết trên Twitter ngày 30-6, ông Trump cho biết đã thảo luận với Quốc vương Salman và hai bên đồng ý sẽ tăng sản lượng dầu của Saudi Arabia thêm 2 triệu thùng/ngày. Trước đó, theo một số nguồn thạo tin, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới là Nga cũng đã đồng ý với Saudi Arabia về việc tăng sản lượng.

Cuối tuần rồi, giá dầu Brent giao dịch ở mức 79 USD/thùng và các chuyên gia dự báo có thể lên tới 90 USD/thùng vào cuối quý 2 năm tới nếu nguồn cung từ Iran bị chặn do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, lệnh cấm mua dầu của Iran khó được thực thi một cách triệt để, bởi ngoài Mỹ thì tất cả các thành viên còn lại trong nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) vẫn muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân. Một số đối tác nhập khẩu dầu lớn của Iran như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục giao dịch với Tehran.

Về phần mình, Chính phủ và Quốc hội Iran vừa thành lập một ủy ban để nghiên cứu các khách hàng mua dầu tiềm năng, cũng như phương thức chuyển thu nhập ở hải ngoại về nước một khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực. 

Giá dầu đã tăng gần 3 lần từ mức 27 USD/thùng năm 2016. Tổng thống Trump muốn nó giảm nhẹ để tạo lợi thế cho đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào cuối năm nay, theo Reuters. Trong khi đó, giá nhiên liệu trong nước tăng mạnh cũng đang ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết